MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đề xuất chỉ được rút 8% BHXH 1 lần: Quá thiệt thòi cho người lao động

Phương Minh (Tổng hợp) LDO | 06/10/2022 21:46

Tại cuộc họp mới đây của Ủy ban Xã hội Quốc hội diễn ra tại TP.HCM, ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội cho hay sẽ tính đến phương án lao động rút bảo hiểm xã hội (BHXH) 1 lần chỉ được rút phần mình đóng, tức 8% lương. Bạn đọc cho rằng, đề xuất này sẽ rất thiệt thòi cho người lao động.

Tại cuộc họp mới đây của Ủy ban Xã hội Quốc hội diễn ra tại TP HCM, ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội, nói sắp tới khi sửa Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ tính kỹ phương án nhận trợ cấp một lần.

Ông Dung cho rằng cần tính phương án lao động chỉ rút phần mình đóng vào Quỹ BHXH, tức 8% (so với lương), còn phần của người sử dụng lao động đóng, chiếm 14% sẽ để lại quỹ và sử dụng theo nguyên tắc sẻ chia.

Bình luận về ấn đề này, bạn đọc Hoàng An nói: BHXH có trích tiền lương của người lao động. Vậy rút hết BHXH 1 lần hay để lại là quyền của người lao động.

Theo tôi nên bỏ điều kiện số năm đóng BHXH tối thiểu, đến tuổi nghỉ hưu, ai đóng được bao nhiêu năm thì nhân 2%/năm, được bao nhiêu nhận bấy nhiêu.

Đồng quan điểm, bạn đọc Nguyệt Anh chia sẻ: Nên nghe ý kiến của người lao động để đề xuất phương án. Không người lao động nào muốn rút BHXH 1 lần cả, vì cuôc sống thiếu thốn, khó khăn họ mới phải rút. Vậy nên cơ quan chuyên môn đề xuất việc gì cũng nên kỹ càng và thấu tình đạt lý.

Bạn đọc Nam Phùng cho rằng: Tuổi nghỉ hưu được hưởng BHXH hiện nay quá cao, năm đóng BHXH thì dài. Người lao động khó khăn họ mới phải rút 1 lần. Tôi không đồng tình với đề xuất giảm mức hưởng BHXH 1 lần vì 14% do người sử dụng lao động đóng cũng là trừ từ lương của người lao động. Nếu theo phương án này sẽ không công bằng cho người lao động.

Còn bạn đọc Lâm Anh nêu: Về bản chất, đa số người lao động đều muốn để dành BHXH cho đến tuổi hưu để không phụ thuộc con cái. Tôi nghĩ nếu mức sống người lao động khá hơn, họ sẽ chẳng rút BHXH 1 lần. Thay vì nghĩ phương án chỉ để người lao động được rút 8%, hãy tạo điều kiện để đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động. Từ đó mới nâng cao tiền lương, mức đóng BHXH cho người lao động.

Bạn đọc V.A viết: Phần của người sử dụng lao động đóng (14%) bản chất cũng là do người lao động đóng, nếu doanh nghiệp không đóng phần này thì sẽ chuyển thành tiền lương cho người lao động. Chính sách xã hội là đảm bảo an sinh xã hội cho hàng triệu người lao động, nên mọi quyết sách phải hợp lý và tránh những thay đổi lớn gây "sốc" cho người lao động. 

Bạn đọc Quỳnh Anh nêu quan điểm: Hãy đưa ra các chính sách để người lao động tự nguyện ở lại, trong khi phần đa số người rút BHXH 1 lần là công nhân lao động thu nhập thấp. Tiền BHXH là trích từ lương của người lao động, đó là tài sản của người lao động. Đến khi cần họ rút ra tại sao lại không cho? Người lao động nếu không may mất sớm trước khi nghỉ hưu thì chẳng được nhận gì cả, vậy số tiền đó đi đâu?

Trước đó, tại một số cuộc giám sát của Ủy ban Xã hội Quốc hội, cơ quan BHXH một số địa phương cũng đề xuất điều chỉnh quy định mức hưởng trợ cấp một lần bằng đúng số tiền người lao động đóng vào quỹ. Phần của người sử dụng lao động sẽ được bảo lưu và cộng nối thời gian khi người lao động tiếp tục tham gia BHXH nhằm tích lũy đủ điều kiện hưởng hưu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn