MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đề xuất di dời 80 cây hoa sữa: Nên thay thế loại cây nào?

LƯƠNG HẠNH LDO | 28/10/2022 12:02
Bên cạnh những quan điểm trái chiều trước đề xuất di dời 80 cây hoa sữa trên đường Nguyễn Chí Thanh của UBND quận Đống Đa (Hà Nội), nhiều bạn đọc kiến nghị thay thế bằng loại cây khác. 

Bạn đọc Trần Trọng Minh đề xuất: "Nếu chọn cây xanh cho thành phố thì không nên chọn bất cứ loại cây nào phát sinh mùi. Chỉ cần cây có bóng mát và ít công chăm sóc là tốt nhất".

Còn bạn đọc Nguyễn Phước bày tỏ: "Hoa sữa thoang thoảng thì có dấu ấn nhưng nhiều thì thành tra tấn khứu giác. Vì vậy, không nên trồng loại cây này làm cây xanh thành phố. Thay vào đó hãy trồng cây sấu. Đây là một loại cây có lá xanh quanh năm, cành không dể gẫy, cây ít đổ, quả sấu lại ngon, đặc sản của các quán trà đá vỉa hè Hà Nội".

Bên cạnh việc di dời cây hoa sữa, bạn đọc Nguyễn Tiến Thường lại cũng cho rằng không nên thay thế bằng cây hoa ban: "Cây hoa ban thân nhiều sâu, tỷ lệ cây chết cao hơn so với nhiều loại cây trồng khác. Thân cây thấp, nhiều nhánh nhỏ lùm xùm, không gọn. Dáng cây hoa ban tổng thể xấu. Đặc biệt, cây hoa ban chỉ có hoa và lá khoảng 5 tháng trong 1 năm, còn lại 7 tháng lá vàng rụng, thân khô xác. Không phải là cây thường xanh. Loại cây này ưa cằn nên chỉ ngập nước vài ngày là chết, trong khi đó Hà Nội thường xuyên ngập úng". 

Đồng quan điểm, bạn đọc Ngọc Nữ viết: "Tôi không thấy hoa ban đẹp, cành mọc hỗn, tán không dày, thiếu gì loại cho bóng mát mà đẹp hơn hoa ban. Cây trồng trên phố quan trọng nhất bóng mát, rễ không phá hạ tầng. Tôi thấy trồng cây sao đen hợp lý nhất".

"Nên trồng cây long não, tán rộng xanh mát quanh năm, lá có thể đuổi ruồi muỗi nhưng nó chỉ thoang thoảng, không nồng nặc. Nhà tôi ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, khi tôi còn bé, gần nhà có một con đường trồng cây long não dọc đường rất là thích! Giờ về tôi về Hà Nội sinh sống cạnh công viên Linh Đàm (Hoàng Mai, hà Nội) cũng có rất nhiều cây long não. Tôi thấy loại cây này rất ổn", bạn đọc Hoàng An cho hay.

Còn bạn đọc giấu tên cho hay: "Cần thay dần các cây lạc hậu, biết là có nhiều nét đặc trưng nhưng nên đưa đến các khu vực công viên hay nơi công cộng. Cây trên tuyến phố phải có tiêu chí an toàn, thoáng đẹp, sức sống tốt, thân khoẻ cao và đứng. Mục tiêu để phục vụ người đi bộ trên vỉa hè hoặc sau này là các phương tiện thô sơ. Như vậy mới mỹ quan!". 

Trước đó, UBND quận Đống Đa đã đề xuất Sở Xây dựng phương án thay thế cây xanh khi chỉnh trang tuyến đường Nguyễn Chí Thanh.

Cụ thể, khoảng 80 cây hoa sữa cùng hàng chục cây lát hoa sẽ được chuyển đến công viên, vườn hoa trên địa bàn, trồng thay thế bằng cây hoa ban. Mục đích là tạo điểm nhấn kiến trúc, hạn chế ảnh hưởng đến người dân.

Trong văn bản trả lời đầu tháng 10, Sở Xây dựng đề nghị quận Đống Đa không dịch chuyển cây lát hoa để tránh lãng phí.

Với cây hoa sữa, Sở lưu ý xem xét, đánh giá mật độ cây trồng cho phù hợp, tránh mùi hoa sữa tỏa nồng nặc. Trường hợp cây hoa sữa có khối lượng lớn có thể trồng tại vùng ảnh hưởng bán kính 500m ở khu xử lý chất thải Xuân Sơn.

Cho rằng việc dịch chuyển, chặt hạ cây xanh là "vấn đề nhạy cảm, phức tạp", Sở Xây dựng đề nghị quận Đống Đa thông tin rộng rãi để việc thay thế cây được người dân ủng hộ.

Đường Nguyễn Chí Thanh dài 1,8km, thuộc phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình và phường Láng Thượng, quận Đống Đa, là đường trung tâm của Thủ đô. Cây xanh trên tuyến đường này đã nhiều lần được đánh chuyển, gây ý kiến trái chiều.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn