MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều bạn đọc bày tỏ đồng tình với đề xuất nghỉ hưu ở nam là 60 tuổi và nữ là 55 tuổi. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn.

Đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu hạn chế nguy cơ rút bảo hiểm xã hội 1 lần

LƯƠNG HẠNH LDO | 15/05/2023 16:29

Trước đề xuất tuổi nghỉ hưu ở nam là 60 tuổi và nữ là 55 tuổi của 8 hiệp hội, ngành hàng, nhiều bạn đọc cho rằng việc này sẽ giúp giảm nguy cơ người lao động rút bảo hiểm xã hội 1 lần. 

Bạn đọc Ngọc Thương bày tỏ quan điểm: "Nếu là những chuyên gia, trình độ chuyên môn cao thì đến tuổi nghỉ hưu có thể đăng ký ở lại phục vụ công ty, doanh nghiệp. Từ đó, lớp trẻ mới có nhiều cơ hội làm việc và cống hiến. Chỉ có người trẻ mới đủ sức khỏe, năng lực… để thúc đẩy đất nước, xã hội phát triển.

Về hưu ở tuổi cao tôi sẽ khó có cơ hội, điều kiện để thăm bà con, họ hàng, đi du lịch mọi miền đất nước. Đây là ước mơ của riêng tôi, cả đời chỉ có một lần sống mà không biết được vùng, miền của đất nước thì đáng buồn và tiếc nuối lắm!".

"Các hiệp hội, ngành nghề có người lao động sản xuất trực tiếp nên có tiếng nói để bảo vệ người lao động thuộc ngành nghề của mình. Xin hỏi có bao nhiêu ông thợ xây tuổi 55, 60 mà còn trèo cao 5, 6 tầng giáo đổ bê tông giữa trời nắng lúc 12h trưa? Hay công nhân may theo dây chuyền đứng làm việc được suốt 8 tiếng khi đã 60 tuổi.

Ở tuổi mắt mờ, chân chậm, những người lao động sản xuất trực tiếp nên có quyền được nghỉ hưu. Nếu còn một vài trường hợp có thể làm tiếp thì khuyến khích, nhưng lúc đó phải chi trả 100% lương thì mới tận dụng tối đa nguồn nhân lực xã hội được" - bạn đọc Mạnh Tuyến bày tỏ.

Đồng quan điểm, bạn đọc Lê Thành chia sẻ: "Năm 23 tuổi, lao động nam tốt nghiệp đại học đi làm thì đến 62 tuổi sẽ có khoảng thời gian đóng bảo hiểm xã hội khoảng hơn 30 năm. Còn nếu chỉ tốt nghiệp cấp 3 và đi làm công nhân thì được đóng bảo hiểm xã hội khoảng 44 năm.

Tuy nhiên, khoảng 50 tuổi, hầu hết lao động chân tay đều không đi làm được nữa. Nhiều người chỉ làm đến khoảng 40 tuổi sẽ rút bảo hiểm xã hội 1 lần lấy vốn, về quê làm ăn. Đề xuất giảm tuổi hưu  tránh được tình trạng rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Nhiều người đóng bảo hiểm xã hội hơn 40 năm mà hưởng lương hưu vài năm đã nhắm mắt xuôi tay".

Trước đó, 8 hiệp hội, ngành hàng đề xuất người lao động được về hưu sớm theo nguyện vọng. Cụ thể tuổi nghỉ hưu ở nam là 60 tuổi và nữ là 55 tuổi. Điều kiện là người lao động đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 năm. Lương hưu căn cứ theo tỉ lệ đóng.

Các đơn vị trên nhận định đa số lao động Việt Nam làm việc chân tay, nhiều người đóng bảo hiểm xã hội từ sớm, thời gian đóng dài, mức đóng cao.

Song nữ tới 55 tuổi và nam đến 60 tuổi thì sức khỏe giảm sút, khó đáp ứng được yêu cầu công việc, nguy cơ mất việc làm cao.

Căn cứ Bộ luật Lao động 2019, tuổi nghỉ hưu của nữ tăng từ 55 tuổi lên 60 tuổi (thêm 4 tháng/năm cho tới năm 2035), nam tăng từ 60 tuổi lên 62 tuổi (thêm 3 tháng/năm cho tới năm 2028). Như vậy, nhiều người khó đảm bảo cuộc sống, cơ hội cho lao động trẻ có việc làm thấp hơn.

Theo đại diện ban soạn thảo Luật bảo hiểm xã hội, ban vẫn tiếp thu các kiến nghị, đề xuất để nghiên cứu, đánh giá và hoàn thiện dự thảo. Dự kiến dự thảo sẽ hoàn thiện, trình Chính phủ cho ý kiến để trình Quốc hội thảo luận lần thứ nhất tại kỳ họp tháng 10.2023.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn