MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu, nam 60, nữ 55: Không phải cứ giảm là tốt

Minh Ánh LDO | 15/05/2023 17:33
Các chuyên gia cho rằng đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu của 8 hiệp hội là khó để chấp thuận. Trong khi đó, điều quan trọng là người lao động cần được giải thích rõ về tuổi nghỉ hưu và quyền lợi của mình được hưởng khi nâng mức tuổi nghỉ hưu và số năm tham gia bảo hiểm xã hội.

Không cần đề xuất giảm, người lao động vẫn có thể nghỉ hưu sớm

Mới đây, khi góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi đang được lấy ý kiến, 8 hiệp hội có đề xuất: Người lao động được về hưu sớm theo nguyện vọng với nam là 60 tuổi và nữ là 55 tuổi, khi đã tham gia bảo hiểm xã hội đủ 15 năm, mức hưởng lương hưu sẽ theo tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội. Đề xuất này được nhiều người lao động ủng hộ. 

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đề xuất này đang mẫu thuẫn với Luật hiện hành (Luật BHXH năm 2014). TS. Bùi Sỹ Lợi – Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ Ban xã hội của Quốc hội – cho rằng mong muốn giảm tuổi nghỉ hưu của người lao động là mong muốn chính đáng. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định việc sửa đổi Luật theo hướng này là điều bất khả thi. Cụ thể, TS. Lợi cho rằng tính nhân văn của Bộ Luật Lao động 2019 là tuổi nghỉ hưu không bị nâng lên một cách đột ngột mà được đi theo lộ trình. 

“Theo đó, đến năm 2028, tuổi hưu của lao động nam mới đạt 62 tuổi và đến năm 2035, tuổi hưu của lao động nữ mới đạt 60 tuổi. Điều này có nghĩa chúng ta đang có sự chuẩn bị cho thời kỳ già hoá dân số và thiếu hụt lao động” – TS. Lợi nói.

Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng mong muốn nghỉ hưu sớm là mong muốn chính đáng của người lao động. Ảnh: LĐO

TS. Lợi trăn trở thêm: “Có một điều mà người lao động chưa hiểu hết, không nắm rõ và chưa ai giải thích cặn kẽ nên người lao động còn băn khoăn. Cụ thể, trong pháp luật lao động hiện hành, nếu người lao động đủ điều kiện, đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm trở lên và đang làm công việc độc hại, nguy hiểm, khó khăn hoặc những ngành nghề người lao động bị suy giảm khả năng lao động chỉ còn 61%, thì người lao động hoàn toàn có thể nghỉ hưu sớm. Trong thực tiễn, khi người lao động nghỉ hưu, nếu lương hưu không bằng tiền lương cơ sở, nhà nước phải bù cho người lao động sao cho bằng tiền lương cơ sở. Đây là quy định thể hiện tính nhân văn, và sự chăm lo của Đảng và Nhà nước cho vấn đề già hoá dân số, thiếu hụt lao động”. 

TS. Lợi cũng cho rằng, trong giai đoạn người lao động bị suy giảm khả năng lao động, sự cần thiết của việc nghỉ sớm và giảm 2% lương hưu cũng nên được đưa ra bàn luận.  

Giảm tuổi nghỉ hưu, người lao động gặp bất lợi

Trao đổi với Lao động, GS.TS Giang Thanh Long (Khoa Kinh tế học, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết, tuổi thọ trung bình của người Việt đang ngày càng cải thiện. Trong 20 năm, tuổi thọ trung bình của người Việt – cả nam và nữ –  đã tăng thêm 5-6 tuổi, trong đó người lao động thường có tuổi thọ cao hơn tuổi thọ trung bình dân số. Vì vậy, việc tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình là hợp lý và theo xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, nếu người lao động được nghỉ hưu sớm cùng với việc giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội (ví dụ, từ 20 năm xuống còn 15 năm) để được hưởng lương hưu thì điều này đồng nghĩa với việc người lao động có thể có mức lương hưu thấp.

Ông Giang Thanh Long cho rằng việc giảm tuổi nghỉ hưu của một nhóm lao động sẽ dẫn đến sự mất cân đối và nhiều rủi ro khác. Ảnh: NEU

“Mức hưởng hưu được dựa vào hai yếu tố, đó là tỷ lệ hưởng và mức đóng. Trong đó, tỷ lệ hưởng phụ thuộc vào số năm tham gia – càng tham gia dài thì tỷ lệ hưởng càng cao (và có thể đạt tới 75% như quy định hiện nay), trong khi mức đóng được tính bằng trung bình của mức đóng trong suốt thời gian tham gia. Nếu điều kiện số năm tham gia bảo hiểm xã hội giảm xuống còn 15 năm hay 10 năm thì chắc chắn tỷ lệ hưởng sẽ thấp, thậm chí rất thấp. Chưa kể, nếu mức đóng của người lao động cũng thấp thì rõ ràng người lao động sẽ hưởng lương hưu thấp” – GS. Long giải thích.

GS. Long nói thêm: “Thường thì chi phí cuộc sống có xu hướng tăng nên nếu người cao tuổi có lương hưu thấp, khó trang trải cuộc sống thì Nhà nước sẽ phải hỗ trợ thông qua ngân sách hoặc sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội. Lúc đó, để đảm bảo cân đối ngân sách hoặc quỹ BHXH thì sẽ phải tăng mức đóng cho quỹ hoặc thuế với thế hệ lao động tương lai. Nói cách khác, gánh nặng đóng cho quỹ bảo hiểm xã hội hoặc thuế với thế hệ tương lai tăng lên và điều này sẽ tạo nên sự không công bằng giữa các thế hệ tham gia hệ thống bảo hiểm xã hội. Thực tế cho thấy, gánh nặng đóng quá cao sẽ khiến người lao động trốn đóng hoặc không tiếp tục tham gia hệ thống.”

Trên thực tế theo thống kê, có tới 80% những người trên tuổi nghỉ hưu vẫn đang làm việc. Điều đó cho thấy, sau khi nghỉ hưu, nhiều người vẫn có nhu cầu làm việc để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Các chuyên gia cho rằng, khi xã hội phát triển, có nhiều ngành nghề khác nhẹ nhàng, phù hợp để người lao động cao tuổi có thể chuyển sang.

Các trung tâm Dịch vụ việc làm ở các tỉnh, thành phố có thể giới thiệu người lao động tuổi cao sang làm những công việc dịch vụ phù hợp để có thêm thu nhập và tham gia bảo hiểm xã hội, khi về hưu có mức lương đủ sống.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn