MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người lao động phản ánh với phóng viên Báo Lao Động việc Công ty Cổ phần Khoá Minh Khai (Hà Nội) nợ BHXH kéo dài với số tiền hơn 12 tỉ đồng. Ảnh: Hà Anh

Đề xuất tháo gỡ khó khăn cho người lao động tại doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội

Hà Anh LDO | 19/02/2023 07:53

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam vừa đề xuất với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất phương án giải quyết chế độ BHXH đối với người lao động (NLĐ) tại các đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) chậm đóng, nợ BHXH

Theo BHXH Việt Nam, thời gian qua, tình trạng một số đơn vị phá sản, đang làm thủ tục phá sản, không còn hoạt động kinh doanh tại địa chỉ đã đăng ký hoặc không có người đại diện theo pháp luật nhưng chưa hoàn thành nghĩa vụ đóng BHXH theo Luật định (chưa đóng đủ tiền BHXH) ảnh hưởng quyền lợi chính đáng về hưởng các chế độ BHXH của NLĐ.

Thực tiễn tổ chức thực hiện chính sách cho thấy, do đời sống gặp nhiều khó khăn, NLĐ tại các đơn vị, doanh nghiệp này có nhu cầu được hưởng BHXH và tự nguyện đóng nộp BHXH để đủ điều kiện hưởng các chế độ. 

Ưu tiên NLĐ đóng BHXH đủ 20 năm trở lên

Về chế độ hưu trí, BHXH Việt Nam đề xuất cho phép giải quyết hưởng lương hưu hằng tháng đối với NLĐ đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu và có thời gian thực đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên (không bao gồm thời gian chưa đóng tiền BHXH) thì được giải quyết hưởng lương hưu theo quy định của chính sách tại thời điểm đủ điều kiện hưởng lương hưu. 

Trường hợp sau đó, khoản tiền BHXH chưa đóng được đóng bù bởi đơn vị hoặc nguồn tài chính khác thì tính bổ sung thời gian đóng BHXH (nếu có) để điều chỉnh lại mức hưởng theo quy định của chính sách tại thời điểm hưởng lương hưu. 

NLĐ đủ điều kiện về tuổi hưởng lương hưu, có tổng thời gian đóng BHXH dưới 20 năm (trong đó thời gian thực đóng BHXH từ đủ 10 năm trở lên) mà NLĐ có nguyện vọng thì được đóng BHXH tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng, thời điểm hưởng lương hưu được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18/2/2016 của Bộ LĐ-TB&XH. 

Với trường hợp sau đó, khoản tiền BHXH chưa đóng được đóng bù bởi đơn vị hoặc nguồn tài chính khác thì tính bổ sung thời gian đóng BHXH (nếu có) để điều chỉnh lại mức hưởng theo quy định của chính sách tại thời điểm hưởng lương hưu (không thực hiện hoàn trả số tiền NLĐ đã đóng BHXH tự nguyện để thống nhất với nội dung hướng dẫn tại Công văn số 276/LĐTBXHBHXH ngày 6/2/2023 của Bộ LĐ-TB&XH).

Cán bộ BHXH Việt Nam hướng dẫn người lao động hoàn thiện thủ tục hưởng BHXH. Ảnh: BHXH Việt Nam 

Giải quyết hưởng BHXH một lần đối với thời gian thực đóng BHXH

Với chế độ BHXH một lần, BHXH Việt Nam đề xuất giải quyết cho người hưởng theo quy định tại Điểm b, c, d Khoản 1 Điều 60 Luật BHXH năm 2014: Giải quyết hưởng BHXH một lần đối với thời gian thực đóng BHXH. 

Trường hợp sau đó, khoản tiền BHXH chưa đóng được đóng bù bởi đơn vị hoặc nguồn tài chính khác thì sẽ giải quyết bổ sung BHXH một lần theo tiết d điểm này.

Người hưởng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 60 Luật BHXH năm 2014 mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH (bao gồm cả thời gian chưa đóng tiền BHXH) thì giải quyết như đối với trường hợp tại tiết a điểm này.

Người hưởng theo Nghị quyết số 93/2015/QH13 ngày 22/6/2015 của Quốc hội chưa đủ 20 năm đóng BHXH (bao gồm cả thời gian chưa đóng tiền BHXH) được giải quyết như đối với trường hợp tại tiết a điểm này.

Trong đó, thời gian một năm theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 93/2015/QH13 được xác định tại hồ sơ và cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật của người lao động ghi tại đơn đề nghị có nội dung đã nghỉ việc hoặc đã dừng đóng BHXH tự nguyện đủ 12 tháng và trong thời gian 12 tháng kể từ ngày nghỉ việc hoặc dừng đóng BHXH tự nguyện không tiếp tục đóng BHXH.

Đặc biệt, việc giải quyết bổ sung BHXH một lần sau khi đóng đủ tiền BHXH với trường hợp khoản tiền BHXH đơn vị chưa đóng được đóng bù bởi đơn vị hoặc nguồn tài chính khác thì cơ quan BHXH tính gộp thời gian đã giải quyết trước đó với thời gian đóng bổ sung để xác định lại mức hưởng mới theo quy định của Luật BHXH 2014 tại thời điểm giải quyết sau và trừ đi mức hưởng được tính lại tương ứng với thời gian hưởng đã được tính bao gồm cả thời gian đã làm tròn (nếu có) để chi trả bổ sung cho NLĐ (tương tự như đề xuất cách tính tại điểm đ khoản 2 Công văn số 1936/BHXH-CSXH ngày 5.7.2021 của BHXH Việt Nam). 

Chưa giải quyết hưởng BHXH một lần đối với trường hợp có thời gian đóng BHXH đủ 20 năm trở lên (bao gồm cả thời gian chưa đóng tiền BHXH), trừ trường hợp quy định tại các điểm b, c khoản 1 Điều 60 Luật BHXH năm 2014. 

Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn về giải quyết hưởng lương hưu hàng tháng đối với trường hợp có tổng thời gian đóng BHXH từ đủ 20 năm trở lên (trong đó có thời gian thực đóng BHXH dưới 20 năm và còn lại là thời gian chưa đóng tiền BHXH).

BHXH Việt Nam cũng đã đề xuất phương án liên quan đến chế độ tử tuất… 

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tính đến thời điểm hiện nay đã có 29.533 đơn vị, doanh nghiệp (với 206.468 lao động) đã phá sản, giải thể, ngừng hoạt động chậm đóng BHXH, BHTN với số tiền chậm đóng BHXH, BHTN là 3.215,041 tỉ đồng (trong đó số tiền chậm đóng là 2.294,721 tỉ đồng, lãi tính trên số tiền chậm đóng là 929,320 tỉ đồng). 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn