MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Việc đổi mới dạy và học môn Lịch sử là vấn đề được nhiều giáo viên, học sinh quan tâm. Ảnh: Trang Thiều

Đề xuất thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử bằng hình thức tự luận

Nguyễn Văn Lực (Trường THCS Trịnh Phong, Khánh Hoà) LDO | 24/07/2023 07:00

Môn Lịch sử cần được tinh giản chương trình, thay đổi từ cách dạy, hình thức thi đến tư duy tiếp cận môn học.

Vẫn còn tình trạng đọc, chép môn Lịch sử

Tại Hội nghị giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo 63 tỉnh, thành vào chiều 21.7 tại Nghệ An, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng, việc đổi mới phải đi vào nội dung của từng môn học.

Lấy ví dụ từ đề thi môn Lịch sử trong kì thi tốt nghiệp THPT vừa qua có câu hỏi chưa chặt chẽ về thời điểm diễn ra sự kiện, ông Sơn cho rằng: "Nếu dạy học lịch sử mà chỉ có kiểm tra và thiên về số lượng hoặc như tổ chức họp ở đâu, họp năm nào, bao nhiêu người họp, thu được bao nhiêu súng, giết được bao nhiêu quân địch… thì môn Lịch sử sẽ không bao giờ hấp dẫn. Những câu hỏi kiểm tra theo kiểu diễn ra ở đâu, năm nào… chưa phải là những điều mà môn lịch sử cần đem lại về nhận thức, tư duy, trí tuệ, tình cảm… qua môn học và do vậy cần phải tiếp tục đổi mới".

Là giáo viên có 37 năm giảng dạy môn Lịch sử ở trường THCS, tôi cho rằng, nhận xét của Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn về dạy học, kiểm tra môn Lịch sử hoàn toàn chính xác. Cần phải thay đổi cách ra đề kiểm tra môn Lịch sử hiện nay để phù hợp với đặc trưng bộ môn, tình hình thực tế cuộc sống.

Nhiệm vụ của thầy cô giảng dạy môn Lịch sử trong trường phổ thông là tái hiện lại bức tranh quá khứ sống động, hào hùng của dân tộc ta trải qua các thời đại, giai đoạn để hiểu nguồn gốc, cuộc sống, quá trình đấu tranh bảo vệ, giữ gìn đất nước; ghi tạc công ơn của tổ tiên, anh hùng dân tộc đã đổ máu xương cho nền độc lập hôm nay, để cháu con nối tiếp tiền nhân trong công cuộc gìn giữ và dựng xây đất nước ngày càng tươi đẹp, sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong muốn. Đó mới chính là yêu cầu của việc học lịch sử và dạy lịch sử.

Chính cách kiểm tra với hình thức trắc nghiệm như hiện nay trong kì thi tốt nghiệp THPT dẫn đến cách dạy của thầy cô cũng nhằm mục đích cho kiểm tra thiên về nhớ số liệu, ngày tháng.

Cần đổi mới đề thi, nội dung giảng dạy

Để thay đổi cách dạy học từ lối truyền thụ kiến thức sang dạy học phát huy phẩm chất năng lực học thì cần phải thay đổi từ cách ra đề kiểm tra, thi.

Với môn Lịch sử, hình thức ra đề nên là tự luận thay vì trắc nghiệm, vì lịch sử suy cho cùng là câu chuyện kể về quá khứ vì vậy cần để học sinh trình bày cảm nhận, nhận thức, tư duy, trí tuệ, tình cảm, năng lực của mỗi cá nhân về một sự kiện, nhân vật, nhận định, giai đoạn, thời kỳ lịch sử…

Ví dụ, để kiểm tra nhận thức của các em về việc học lịch sử để làm gì, thầy cô chỉ cần yêu cầu học sinh: “Bằng kiến thức đã học và sự hiểu biết của em về lịch sử dân tộc hãy giải thích câu nói của Bác Hồ: “Dân phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”.

Hoặc khi kiểm tra về giai đoạn lịch sử 1939-1945, có thể hỏi: “Có đúng hay không khi nói rằng, Cách mạng tháng Tám, năm 1945 thành công là do may mắn? Theo em, nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến sự thành công trong một cuộc mạng là gì?".

Ngoài việc thay hình thức kiểm tra trắc nghiệm bằng hình thức tự luận, tôi cho rằng, sách giáo khoa cũng phải thiết kế lại bố cục, cách trình trình bày dưới dạng một câu chuyện kể lại quá khứ. Điều này sẽ tạo hứng thú cho học sinh chứ không phải những số liệu ngày tháng, năm, ở đâu khô khan, cứng nhắc, khó nhớ.

Học sinh sẽ lắng đọng, cảm nhận, nhận thức về lịch sử bằng trái tim một cách chân thực, khách quan đúng với bản chất, yêu cầu bộ môn Lịch sử.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn