MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giảng viên và sinh viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong hoạt động giáo dục, nghiên cứu khoa học. Ảnh: Bích Hà

Đề xuất vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý trong cơ sở giáo dục đại học

Hoàng Quang LDO | 18/08/2023 22:20

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dự thảo Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành trong các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm công lập.

+ Dự thảo Thông tư quy định vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong cơ sở giáo dục như sau:

1. Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý gồm: Chủ tịch Hội đồng cơ sở giáo dục, Giám đốc, Hiệu trưởng, Viện trưởng cơ sở giáo dục đại học (sau đây gọi chung là người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học) và cấp phó của người đứng đầu cơ sở giáo dục; cấp trưởng và cấp phó của các tổ chức, đơn vị thuộc, trực thuộc cơ sở giáo dục; cấp trưởng và cấp phó của tổ chức, đơn vị cấu thành đơn vị thuộc, trực thuộc cơ sở giáo dục được quy định trong cơ cấu tổ chức của cơ sở giáo dục do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, gắn với tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý.

2. Vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy là vị trí việc làm gắn với mã số, hạng và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong cơ sở giáo dục được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.

3. Danh mục khung vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy trong cơ sở giáo dục được quy định tại Phụ lục I và Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

+ Bản mô tả công việc, khung năng lực

1. Bản mô tả công việc của vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp chuyên ngành giáo dục và đào tạo gồm các nội dung:

a) Tên vị trí việc làm;

b) Mục tiêu vị trí việc làm;

c) Các công việc và tiêu chí đánh giá;

d) Các mối quan hệ trong công việc;

đ) Phạm vi quyền hạn.

2. Khung năng lực của vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy gồm các nội dung:

a) Yêu cầu về trình độ, gồm: Trình độ đào tạo, bồi dưỡng, chứng chỉ; kinh nghiệm công tác; phẩm chất cá nhân; các yêu cầu khác theo vị trí việc làm;

b) Các năng lực, gồm: Nhóm năng lực chung; nhóm năng lực chuyên môn; nhóm năng lực quản lý;

c) Khung năng lực của vị trí việc làm vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý phải phù hợp với tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý do cấp có thẩm quyền quy định; khung năng lực của các vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy đảm bảo phù hợp với quy định về tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Các cấp độ của từng nhóm năng lực trong khung năng lực được quy định tại các Phụ lục IIIA, IIIB và IIIC Thông tư này.

3. Bản mô tả công việc, khung năng lực của các vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm chức danh nghề nghiệp viên chức giảng dạy thực hiện theo Phụ lục III Thông tư này. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, bản mô tả công việc và khung năng lực của vị trí việc làm, cơ sở giáo dục xây dựng bản mô tả công việc, khung năng lực cụ thể của từng vị trí việc làm, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

+ Điều khoản chuyển tiếp

Kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, trường hợp viên chức còn dưới 05 năm công tác tính đến thời điểm nghỉ hưu thì tiếp tục được công tác tại vị trí việc làm hiện tại; trường hợp viên chức còn từ 05 năm công tác trở lên, trong thời hạn 02 năm người đứng đầu đơn vị sử dụng viên chức có trách nhiệm bố trí để viên chức học tập đảm bảo đủ điều kiện, tiêu chuẩn của vị trí việc làm theo quy định. Trường hợp viên chức được cử đi học tập mà không tham gia học tập hoặc kết quả học tập không đạt yêu cầu thì người đứng đầu đơn vị sử dụng viên chức xem xét bố trí hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền bố trí công việc khác phù hợp hoặc giải quyết chế độ chính sách theo quy định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn