MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vấn nạn bằng cấp thiếu thực chất gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Hình minh họa

Dẹp nạn "tiến sĩ giấy": Chú trọng thực chất, hiệu quả nghiên cứu

QUANG ĐẠI LDO | 09/05/2022 07:32

Từ hàng chục năm qua, dư luận đã xôn xao bức xúc về tình trạng sính hình thức, chuộng hư danh trong xã hội nói chung và giáo dục nói riêng. Tình trạng "tiến sĩ giấy" từ các “lò ấp tiến sĩ” là hệ quả của vấn nạn này.

Nền giáo dục Việt Nam, dù đã liên tục hiện đại hóa từ sau 1945 đến nay, nhưng những ảnh hưởng rơi rớt của nền giáo dục Nho giáo vẫn còn, trong đó có tâm lý trọng khoa bảng, danh xưng hơn là thực chất, hiệu quả.

Trong các sự kiện và hoạt động xã hội, người dân chỉ biết đến các cá nhân có học vị tiến sĩ hay học hàm giáo sư và mặc định đó là người tài giỏi chứ không quan tâm đến lĩnh vực nghiên cứu và kết quả hoạt động khoa học của họ.

Việc không chú trọng thực chất mà chỉ quan tâm đến học vị theo tâm lý khoa bảng có từ xưa dẫn đến việc người ta tìm mọi cách để có học vị, danh hiệu, sinh ra hiện tượng “loạn”, tiêu cực trong đào tạo, cấp bằng tiến sĩ.

Để chấm dứt tình trạng thiếu thực chất trong đào tạo tiến sĩ, cần quán triệt nguyên lý thực học, thực nghiệp trong giáo dục. Học vị tiến sĩ chỉ dành cho người làm khoa học, giáo dục chuyên nghiệp, gắn đào tạo với nghiên cứu, sử dụng, coi trọng thực chất, kết quả nghiên cứu, đóng góp cho khoa học chứ không đặt nặng bằng cấp, danh hiệu.

Trong công tác cán bộ, chú trọng năng lực thực tiễn, hiệu quả công việc của từng người để đề bạt, bổ nhiệm, bố trí vào các chức danh lãnh đạo, quản lý chứ không phải chỉ dựa vào bằng cấp.

Chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, sơ hở trong quy chế đào tạo tiến sĩ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tăng cường thông tin, tuyên truyền, giám sát và phản biện về công tác đào tạo, cấp bằng tiến sĩ, sử dụng các cá nhân có học vị tiến sĩ.

Có những giải pháp hỗ trợ, khen thưởng, tôn vinh, mua bản quyền xứng đáng đối với các cá nhân tài năng, có năng lực nghiên cứu, sáng tạo, có công trình, sản phẩm nghiên cứu có giá trị, có đóng góp cho xã hội.

Một thực tế là những người làm khoa học nghiêm túc thường nghèo, gặp rất nhiều khó khăn trong nghiên cứu khoa học, công bố kết quả nghiên cứu và triển khai ứng dụng, đặc biệt là lĩnh vực khoa học cơ bản. Trong khi những người lợi dụng khoa học lại rất giàu có, sung túc. Do đó, cần có cơ chế hỗ trợ về tài chính đủ mạnh để bảo đảm thu hút được những cá nhân tài năng tham gia nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp. Muốn thế, cần triệt để chống lãng phí, tiêu cực trong quản lý nhà nước về hoạt động khoa học - công nghệ để tập trung nguồn lực cho các nghiên cứu, sáng chế hữu ích.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trong buổi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 6.5.2021 đã nêu ra thông điệp, mệnh lệnh “học thật, thi thật, nhân tài thật”, đối lập với vấn nạn “học giả, thi giả, nhân tài giả” nhức nhối và gây ra nhiều hệ lụy hết sức nghiêm trọng.

Thiết nghĩ ngành giáo dục cần xem đó là mục tiêu có tính chiến lược để phấn đấu thực hiện bằng được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn