MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lực lượng chức năng dẹp vỉa hè trả lại lối đi bộ cho người dân. Ảnh: Tô Thế

Dẹp vỉa hè cũng cần quan tâm đến sinh kế của người dân

Minh Hạnh LDO | 16/03/2023 10:40
Nhằm đảm bảo việc đi bộ của người dân được tiện lợi, nhiều năm qua, TP.Hà Nội đã ban hành quy định về việc tổ chức sắp xếp phương tiện trên vỉa hè. Tuy nhiên, diện tích vỉa hè không đồng nhất, ý thức của người dân chưa cao...  khiến việc dẹp vỉa hè đang là bài toán khó trong công tác đảm bảo trật tự đô thị.

Theo Quyết định số 09/2018/QĐ-UBND quy định về quản lý, khai thác và bảo trì hệ thống đường đô thị trên địa bàn TP.Hà Nội, những khu vực để xe không được cắm cọc, chăng dây, rào chắn trên hè phố; các phương tiện phải được sắp xếp ngăn nắp, trật tự, đảm bảo người đi bộ đi lại thuận tiện, thông thoáng, không phải đi vòng tránh các vị trí đỗ xe đạp, xe máy. Phần hè phố còn lại (không bao gồm phần hè đang bố trí cây xanh, cột điện, biển báo và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác) dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5m.

Xe đạp, xe máy phải xếp thành hàng (chỉ sắp xếp một hàng), quay đầu xe vào trong, cách tường phía giáp nhà dân hoặc công trình trên vỉa hè 0,2m. Trường hợp đặc thù thực hiện theo phương án khác, UBND cấp huyện căn cứ thực tế hè phố xây dựng phương án để xe đạp, xe máy, đề xuất Liên ngành Giao thông Vận tải - Công an TP.Hà Nội thống nhất, chấp thuận, phải đảm bảo phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5m và các quy định nêu trên.

Tuy nhiên, nhiều tuyến phố của Hà Nội có vỉa hè không đủ chiều rộng để để xe máy, do đó không thể dành được 1,5m tối thiểu dành cho người đi bộ (tức là không đủ diện tích sắp xếp phương tiện). Mặc dù không đủ điều kiện nhưng chính quyền các địa phương vẫn tiến hành sơn kẻ vạch, tổ chức sắp xếp phương tiện khiến nhiều người không khỏi ngao ngán.

Bà Đỗ Kim Quý (sống tại phố Hoàng Ngân, Trung Hoà, Cầu Giấy) cho hay, nếu chiểu theo đúng quy định thì đường Hoàng Ngân không thể thực hiện yêu cầu được vì nhiều đoạn chiều rộng vỉa hè chưa đến 1m.

Theo các chuyên gia giao thông, vỉa hè là hệ thống hành lang không gian giao thông - văn hóa - kinh tế xanh của đô thị, phản chiếu “sức sống” của đô thị Hà Nội trong việc hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo lập sinh thái đô thị. Tuy nhiên, việc tổ chức sắp xếp phương tiện cần phải đảm bảo việc đi lại của người dân, không thể đánh đổi quyền, lợi ích, an toàn của người đi bộ lấy phát triển kinh tế.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thuỷ cho rằng, vấn đề trả lại vỉa hè cho người đi bộ đã được TP. Hà Nội làm rất nhiều lần nhưng không thành công. Nguyên nhân chính do làm nửa vời và không có người chịu trách nhiệm, chưa làm hết sức, chưa quyết tâm.

Cùng với sự quyết tâm là sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị vì vỉa hè cũng là một trong những thành phần không thể thiếu trong mạch máu giao thông. Ngoài ra, cần phải quyết tâm và làm dài hơi chứ không chỉ ra quân theo phong trào, qua loa...

Theo ông Nguyễn Xuân Thuỷ, dẹp vỉa hè trả lại lối đi cho người đi bộ là tất yếu. Vỉa hè không phải là nơi để làm kinh tế, tuy nhiên cũng cần phải quan tâm đến sinh kế của người dân vì phần lớn những người lấn chiếm vỉa hè bán hàng vì sinh kế.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cơ quan chức năng nên xem xét đưa xe đạp, xe máy sắp xếp ra phần vỉa hè sát với lòng đường thay vì sát với tường nhà dân như hiện nay. Điều này sẽ tạo không gian thoáng đãng, tránh được nguy cơ người đi bộ đâm phải các gốc cây.

Tuy nhiên, với phương án này nếu kiểm soát không tốt, khu vực phía trong tường nhà sẽ bị chiếm dụng làm nơi bày bàn ghế, hàng hóa phục vụ đích kinh doanh. Và khi đó, thiệt thòi nhất vẫn là người đi bộ...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn