MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Di dời hàng nhãn, trồng cây mới tạo cảnh quan cho phố đi bộ Trịnh Công Sơn

Thu Hiền LDO | 10/03/2023 12:00

Phố đi bộ Trịnh Công Sơn sẽ được di dời 40 cây nhãn cùng 15 loại cây khác để trồng cây mới nhằm tạo sự đồng bộ, chủng loại cây đô thị, tạo cảnh quan cho không gian đi bộ.

Theo ghi nhận của Lao Động chiều 9.3, hiện nay trên tuyến phố đi bộ Trịnh Công Sơn (Tây Hồ, Hà Nội) có tổng cộng 40 cây nhãn, 8 cây keo, 4 cây chiêu liêu, 2 cây bàng, 1 cây dướng có độ tuổi từ 20-30 năm do người dân tự trồng.

Vì không được chăm sóc nên một số cây đã già cỗi, sâu bệnh và không đồng bộ. Do vậy, mới đây Sở Xây dựng Hà Nội đã có báo cáo gửi UBND thành phố Hà Nội về việc phương án di chuyển và trồng thay thế cây xanh tại phố Vũ Tuấn Chiêu.

Hàng nhãn trên trục chính phố Vũ Tuấn Chiêu. Ảnh: Thu Hiền
Cây nhãn trên phố đi bộ Trịnh Công Sơn do lâu năm nên đã già cỗi, sâu bệnh. Ảnh: Thu Hiền

Qua rà soát, cây xanh trên tuyến đường - thuộc khu vực tổ chức các hoạt động văn hóa biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực của phố đi bộ Trịnh Công Sơn, theo phân cấp do thành phố quản lý.

Hiện cây xanh ở đây không đồng đều chủng loại, không thuộc chủng loại cây trồng đường phố gồm 40 cây nhãn cong nghiêng, già cỗi, nổi rễ. Ngoài ra còn các loại cây không thuộc chủng loại cây trồng đô thị như: cây keo, cây bàng...

Bà Nguyễn Thị Hồng (72 tuổi, sống ở đường Âu Cơ, quận Tây Hồ) cảm thấy tiếc nuối khi phải di dời hàng cây xanh ở đây, trong đó có 40 cây nhãn.

"Cây nhãn tạo bóng râm, tôi thấy người dân đều khen đẹp và chúng gắn bó với tuyến đường này 30 năm. Nghe bảo cho di dời cũng buồn và có phần tiếc, nhưng tôi nghĩ đã có sự nghiên cứu kĩ của cơ quan chức năng, muốn làm cho phố đi bộ đẹp và đồng bộ hơn, thu hút người dân đến đây. Tôi cũng mong phố đi bộ đổi mới và đẹp hơn nữa", bà Hồng nói.

Bà Nguyễn Thị Hồng chia sẻ cảm nhận về việc di dời hàng nhãn trên phố đi bộ Trịnh Công Sơn. Ảnh: Thu Hiền

Việc di dời nhằm tạo sự đồng bộ cây xanh trên toàn tuyến phố, chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật và cảnh quan đô thị khu vực góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa và du lịch quận Tây Hồ.

Các cây sau khi đánh chuyển sẽ được trồng tại vườn ươm Song Phượng (xã Song Phượng, huyện Đan Phượng). Thời gian chăm sóc cây theo quy định là 2 năm trước khi cây được dịch chuyển trồng cố định tại nút giao Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh (đường Võ Nguyên Giáp).

Thay thế vào vị trí cây di chuyển là loạt cây giáng hương đường kính 25-30cm, chiều cao khoảng 8m. Tại tuyến đường đã có sẵn 20 cây giáng hương với kích thước, chiều cao tương đương sẽ được giữ nguyên.

Cây nhãn ở đây đều có tuổi đời từ 20-30 năm. Ảnh: Thu Hiền

Cũng theo các đơn vị chức năng, việc tạo sự đồng bộ về cây xanh trên không gian đi bộ Trịnh Công Sơn là điều kiện cần để không gian này mở cửa trở lại vào hè năm nay.

Trước đó, phố đi bộ Trịnh Công Sơn tiếp tục ra thông báo tạm dừng hoạt động để sửa chữa, tu bổ lại không gian. Đây là lần thứ 2 con phố đi bộ này tạm dừng hoạt động kể từ ngày mở cửa vào năm 2018.

Ngay sau đó, con đường nghệ thuật trang trí ô lụa cũng đã được dỡ bỏ khi tuyến phố dừng hoạt động. Chỉ còn lại bức tranh chân dung nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và một vài dây đèn đầu tuyến phố.

Mục tiêu mở rộng mô hình phố đi bộ ra nhiều quận, huyện và thị xã nằm trong chiến lược phát triển kinh tế đêm của Hà Nội. Tuy nhiên nhiều tuyến phố đi bộ trở nên vắng vẻ sau thời gian ngắn hoạt động.

Cụ thể, trái ngược với hình ảnh đông vui, náo nhiệt trong ngày đầu khai trương, không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông và khu vực lân cận (quận Hai Bà Trưng) trở nên vắng vẻ, buồn tẻ sau khoảng hơn 2 tháng đi vào hoạt động. 

Khác với hai tuyến phố trên, phố đi bộ Đảo Ngọc - Ngũ Xã thuộc quận Ba Đình lại khá đông đúc, náo nhiệt trong những ngày cuối tuần dù cũng vừa khai trương cách đây hơn 2 tháng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn