MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đi khám bệnh mới phát hiện bị nợ đóng bảo hiểm xã hội

Bảo Hân LDO | 15/01/2023 06:48
Đi khám bệnh, người lao động mới phát hiện ra mình bị nợ đóng bảo hiểm xã hội nên không được bảo hiểm y tế chi trả. Vì vậy, người lao động đành tự mua thuốc, điều trị tại nhà. 

Liên quan đến vụ việc Công ty Cổ phần Gỗ nhựa sinh thái Việt Nam (có nhà máy sản xuất tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) nợ lương của người lao động, phóng viên Báo Lao Động đã liên hệ tới anh Nguyễn Văn Đ. 

Anh Đ làm việc tại công ty từ tháng 5.2022 đến tháng 9.2022. Theo lời kể của người lao động này, anh tình cờ phát hiện ra mình bị nợ đóng bảo hiểm xã hội khi đi khám bệnh.

“Hồi tháng 9.2022, khi về quê khám bệnh, tôi nhập số thẻ bảo hiểm vào kiểm tra, đăng ký khám chữa bệnh thì hệ thống báo lỗi. Sau đó, tôi gọi điện lên Tổng đài Bảo hiểm xã hội Việt Nam thì nhận được câu trả lời là hiện tại đang bị nợ bảo hiểm xã hội. Kiểm tra trên VssID thì tôi thấy mới chỉ đăng ký tham gia bảo hiểm xã hội, nhưng chưa nộp tiền” – anh Đ kể. 

Do không được thanh toán khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, anh Đ đành xin về nhà, tự mua thuốc điều trị. Rất may, căn bệnh anh mắc phải không nguy hiểm. Theo anh Đ, hàng tháng anh vẫn bị trích tiền lương đóng bảo hiểm xã hội. Hiện anh Đ vẫn chưa chốt được sổ bảo hiểm xã hội.

Anh Đ. cho biết, tháng 5.2022, anh bắt đầu làm việc tại công ty. Đến tháng 9.2022, do bị công ty chậm chi trả lương, lại ít việc, trong khi phải đi làm xa, ở trọ, nhiều khoản phải trang trải, nên anh đành xin nghỉ việc để kiếm công việc khác. 

Theo anh Đ, anh bị công ty nợ lương 2 tháng (tháng 8 và tháng 9.2022) với số tiền anh tính toán là 10 triệu đồng. Trong thời gian làm tại công ty, lương của anh Đ được chi trả rất chậm trễ; chưa bao giờ anh được nhận lương đúng hạn.

Hàng tháng, anh phải gửi về quê cho vợ con 6-7 triệu đồng. Anh Đ kể lại, trong thời gian không có lương, anh không gửi được tiền về cho vợ con, đồng thời phải tiêu lạm vào khoản tiền dành dụm từ trước. Sinh hoạt của gia đình thời điểm đó trông chờ vào cả đồng lương của vợ (khoảng 5-6 triệu đồng). 

“Chúng tôi là người lao động, hàng tháng chỉ mong lĩnh lương về để chăm lo cho gia đình. Bị nợ lương như thế này, tôi rất bức xúc” – anh Đ. nói và yêu cầu công ty sớm trả lương, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động như anh. 

Trước đó, như Báo Lao Động đã thông tin, ông Nguyễn Ngọc Tặng - Giám đốc Công ty Gỗ nhựa sinh thái Việt Nam xác nhận có tình trạng công nhân bị nợ lương, tuy nhiên, chỉ nợ 1,2 tháng lương của khoảng 4-5 người với số tiền “mấy chục triệu đồng”.  

Ông Tặng cho biết việc nợ lương sẽ được “xử lý dứt điểm” trước Tết cho người lao động. 

Căn cứ vào khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP người sử dụng lao động có hành vi trả lương không đúng hạn cho người lao động sẽ bị xử phạt hành chính theo các mức như sau:

- Từ 5 - 10 triệu đồng: Chậm lương của 1 - 10 người lao động;

- Từ 10 - 20 triệu đồng: Chậm lương của 11 - 50 người lao động;

- Từ 20 - 30 triệu đồng: Chậm lương của 51 - 100 người lao động;

- Từ 30 - 40 triệu đồng: Chậm lương của 101 - 300 người lao động;

- Từ 40 - 50 triệu đồng: Chậm lương của 301 người lao động trở lên.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả cho người lao động.

Mức lãi suất sẽ được tính theo lãi tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vi phạm.

Mức xử phạt hành chính theo quy định trên được áp dụng cho người sử dụng lao động là cá nhân. Trường hợp người sử dụng lao động là tổ chức thì mức xử phạt hành chính sẽ là gấp đôi so với cá nhân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn