MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Núi Cánh Diều tọa lạc tại (phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình) và được xếp hạng di tích lịch sử gia từ năm 1962. Ảnh: Diệu Anh

Di tích lịch sử quốc gia núi Cánh Diều bị bỏ hoang giữa thành phố Ninh Bình

DIỆU ANH LDO | 06/04/2023 11:53

Ninh BìnhNúi Cánh Diều (tại thành phố Ninh Bình) được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia năm 1962, trải qua nhiều thăng trầm, chịu ảnh hưởng của chiến tranh, thời gian, nhưng không được quan tâm, đầu tư tu bổ, hiện nhiều hạng mục đã xuống cấp.

Theo tìm hiểu của PV Lao Động, núi Cánh Diều tọa lạc tại (phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình) được mệnh danh là "tứ đại danh sơn" của thành phố Ninh Bình. Núi có hình dáng, vị trí, cảnh quan thiên nhiên đẹp, từ xưa đến nay đã được coi là một thắng cảnh nổi tiếng của vùng đất Ninh Bình.

Không chỉ có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, núi Cánh Diều còn là nơi ghi dấu ấn lịch sử hào hùng của quân và dân Ninh Bình trong các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. 

Con đường mòn dẫn vào di tích lịch sử quốc gia núi Cánh Diều, cỏ dại mọc um tùm. Ảnh: Diệu Anh

Với nhiều giá trị lịch sử, văn hóa đặc biệt, núi Cánh Diều đã được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích Danh thắng cấp Quốc gia vào năm 1962.

Hiện nay, tại di tích quốc gia núi Cánh Diều hiện có các di tích tín ngưỡng, tôn giáo tồn tại lâu đời như đền Đức Thánh Cả, Động Tiên Sơn... Điều này thể hiện đời sống văn hóa tín ngưỡng phong phú của cư dân địa phương, đồng thời, tôn thêm giá trị tâm linh của núi Cánh Diều.

Tuy nhiên, trải qua nhiều thăng trầm, chịu ảnh hưởng của chiến tranh, qua thời gian, hiện nay di tích quốc gia núi Cánh Diều đang bị lãng quên, không được đầu tư, trùng tu nên nhiều hạng mục đã xuống cấp, bỏ hoang.

Bậc thang lên núi Cánh Diều đã xuống cấp, không ai dám leo lên. Ảnh: Diệu Anh

Theo ghi nhận của PV Lao Động, đoạn đường mòn dẫn vào núi Cách Diều dài khoảng 300m, cỏ dại mọc um tùm, xung quanh núi xuất hiện nhiều bãi rác thải của các hộ dân. Lối lên núi duy nhất được thiết kế các bậc thang bằng đá, tuy nhiên hiện nay đã xuống cấp, bị bong tách nên hầu như không có bất kỳ ai dám lên. Trên đỉnh núi được Công ty cổ phần Nhiệt điện Ninh Bình lắp đặt bể nước cứu hỏa hàng chục mét khối.

Ông Trần Mạnh Minh, Chủ tịch UBND phường Thanh Bình, cũng thừa nhận việc một số hạng mục tại di tích quốc gia núi Cánh Diều đã xuống cấp. Chúng tôi rất mong các ngành chức năng sớm có quy hoạch chi tiết khu di tích quốc gia núi Cánh Diều để đầu tư tôn tạo lại khu vực đường đi, hồ nước, cảnh quan môi trường xung quanh, để di tích núi Cánh Diều xứng tầm là di tích quốc gia.

Khu vực chân Núi Cánh Diều xuất hiện nhiều bãi rác thải sinh hoạt của các hộ dân. Ảnh: Diệu Anh

Liên quan đến việc di tích quốc gia núi Cánh Diều đang bị xuống cấp, ông Nguyễn Xuân Trường - Trưởng Phòng Quản lý Di sản văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình cho biết, mới đây các Sở, ngành của tỉnh Ninh Bình và chính quyền địa phương đã tiến hành cắm lại mốc giới khoanh vùng để bảo vệ di tích nhằm bảo tồn, phát huy giá trị.

"Qua khảo sát trên núi Cánh Diều hiện không còn giữ tấm bia đá, hay các bài thơ xưa kia được vua, chúa, thi sĩ sáng tác và cho khắc vào vách núi, do bị bom mìn bắn phá những năm kháng chiến" - ông Trường cho hay.

Trước nhu cầu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trong giai đoạn hiện nay, căn cứ tình hình thực tế và các quy định của pháp luật về di sản văn hóa, mới đây UBND tỉnh Ninh Bình đã đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xem xét bổ sung hồ sơ di tích làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách bảo tồn và phát huy giá trị di tích, làm cơ sở pháp lý cho việc bảo vệ di tích lâu dài.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn