MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Di tích quốc gia dần trở thành nơi chứa rác thải, trồng hoa màu

Hoài Luân LDO | 09/03/2023 15:57

Dù đã được xếp hạng cấp quốc gia vào năm 2003, thế nhưng đến nay, Di tích kiến trúc Thành Cha (thị xã An Nhơn, Bình Định) lại trở nên nhếch nhác vì chứa đầy rác thải sinh hoạt.

Gần nửa tháng nay, người dân sống quanh khu vực Di tích kiến trúc Thành Cha (Di tích Thành Cha) liên tục bàn tán xôn xao về việc UBND xã Nhơn Lộc (thị xã An Nhơn) mở đấu giá và cho người dân thuê đất trong khu di tích theo năm để trồng hoa màu, gỗ keo… Ngoài ra, đây cũng là nơi chứa rác thải sinh hoạt của người dân.

 Di tích kiến trúc Thành Cha được xếp hạng cấp quốc gia vào 2003. Ảnh: Hoài Luân

Theo ghi nhận của phóng viên, trong khuôn viên Di tích Thành Cha, nhiều diện tích đất được cày xới ngang dọc để canh tác, bên cạnh đó, nhiều loại rác thải sinh hoạt của người dân vứt tràn lan ra ngoài khiến khu vực này trở nên nhếch nhác. 

Toàn bộ khu đất bên trong tấm bia đá có trụ rào bằng bê tông cũng bị ngã đổ, các gò đất trong khu di tích thì được người dân trồng keo đã cao hơn 2m, che khuất cột mốc khảo cổ.

 Toàn cảnh khu vực Di tích kiến trúc cấp quốc gia Thành Cha. Ảnh: Hoài Luân

Một người dân trồng hoa màu gần khu di tích cho biết: "Trước kia, khu đất này nhiều bụi gai rậm rạp, tôi có phát dọn ra trồng lại cỏ và một số cây keo để làm bóng mát".

Được biết, Di tích Thành Cha thuộc thôn An Thành (xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn) là một trong những tòa thành cổ của Vương quốc Chăm Pa được xây dựng từ trước thế kỷ thứ X, giữ vai trò trung tâm của vùng Vijaya. Nơi đây từng là trung tâm chính trị, kinh tế của Vương quốc Cham Pa trong lịch sử. Di tích được Bộ Văn hóa Thông tin và Thể thao xếp hạng cấp quốc gia vào ngày 27.11.2003.

Rác thải sinh hoạt được vứt tràn lan trong khu vực di tích. Ảnh: Hoài Luân 

Trước tình trạng mà PV phản ánh, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lộc nhận một phần trách nhiệm vì thiếu sót, chủ quan trong việc quản lý khu Di tích Thành Cha, để xảy ra tình trạng rác thải tập trung nhiều, gây mất giá trị cảnh quan khu di tích.

Một diện tích lớn trong khu vực Di tích Thành Cha được cày, bới. Ảnh: Hoài Luân 

“Di tích Thành Cha không nằm trên điểm thu gom rác của xã, vì vậy UBND xã đã gắn biển báo cấm đổ rác ngay khu di tích nhưng ý thức của người dân xung quanh kém. UBND xã sắp tới sẽ kiến nghị UBND thị xã An Nhơn giải quyết triệt để vấn đề trên” - ông Tuấn cho hay.

Ông Văn Tấn Tài - cán bộ địa chính UBND xã Nhơn Lộc cho biết, khu vực đất trong di tích có mặt bằng bằng phẳng, người dân cũng có nhu cầu sử dụng đất để canh tác nên UBND xã đã đồng ý cho người dân thuê lại.

Nhiều cây keo mọc um tùm trên phần di tích đã khảo cổ trước đó. Ảnh: Hoài Luân 

“UBND xã Nhơn Lộc đã thành lập hội đồng đấu giá công khai cho bà con thuê đất để thu ngân sách và chi theo quy định” - ông Tài thông tin.

Lãnh đạo UBND thị xã An Nhơn cho biết: Việc này nằm ngoài thẩm quyền của thị xã vì Di tích kiến trúc cấp quốc gia là do Bảo tàng tỉnh Bình Định có thẩm quyền giải quyết.

Trao đổi với PV, ông Bùi Tĩnh - Giám đốc Bảo tàng Bình Định cho biết: Người dân ở đó đã canh tác trong khu vực này trước khi được xếp hạng thành di tích quốc gia. Khu vực này rất rộng, không có ai trông coi, mà để không thì mọc cỏ dại nên chính quyền địa phương cho người dân trồng một số cây ngắn ngày. Sau đó, người dân sẽ đóng một khoản tiền để phục vụ công ích cho UBND xã Nhơn Lộc chứ không phải cho thuê.

“Theo Luật Di sản văn hóa thì các tổ chức, cá nhân không được phép cho thuê và canh tác trong phần đất trong khu di tích đã được xếp hạng” - ông Tĩnh thông tin.

Theo ông Tĩnh, Bảo tàng Bình Định đang mời một số đơn vị tư vấn thiết kế, sau đó quy hoạch tổng thể để tiến hành tôn tạo lại di tích.

"Sắp tới, chúng tôi sẽ làm việc với địa phương để lắp camera giám sát trong khu vực này, đồng thời dọn hết các cây keo, bạch đàn, nghiêm cấm việc trồng hoa màu trong khu vực di tích. Về tình trạng rác thải, sẽ cho dọn dẹp hết, và yêu cầu người dân xung quanh ký cam kết để bảo vệ môi trường" - ông Tĩnh nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn