MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Di tích Quốc gia ở Hải Dương nhếch nhác, xuống cấp. Ảnh: Hà Vi

Di tích Quốc gia ở Hải Dương xuống cấp

Hà Vi LDO | 04/07/2023 16:34

Hải Dương - Trải qua nhiều thế kỷ, di tích lịch sử cấp Quốc gia chùa Trăm Gian (xã An Bình, huyện Nam Sách) do không tu bổ thường xuyên nên ngày càng xuống cấp.

Chùa Trăm Gian (hay còn gọi là Vĩnh Khánh tự) ở xã An Bình, huyện Nam Sách theo sử sách ghi lại, được hình thành cách đây khoảng 1.000 năm, từng là một ngôi chùa lớn, trung tâm Phật giáo của cả nước, trường dạy kinh Phật cho hàng nghìn phật tử với kiến trúc độc đáo và nhiều cổ vật giá trị. Nhưng trải qua thời gian, hiện nay chùa Trăm Gian - danh thắng có một không hai của xứ Đông đã bị xuống cấp.

This browser does not support the video element.

Video chi tiết không gian chùa Trăm Gian (xã An Bình, huyện Nam Sách). Video: Hà Vi
Khu vực cổng chùa xuống cấp, cây cối mọc um tùm. Ảnh: Hà Vi

Theo quan sát của phóng viên Lao Động ngay khu vực cổng chùa nhếch nhác, đường vào gồ gề gạch đá, cỏ mọc um tùm. "Trước đây vẫn có người dân địa phương, du khách đến dâng hương nhưng suốt nhiều năm nay di tích này xuống cấp cũng chẳng còn mấy ai ghé đến nữa. Đứng ngoài đường nhìn vào chẳng ai nghĩ đây là di tích quốc gia cả vì cả hai cổng vào đều nhếch nhác, cây cối và gạch đá gồ gề" - ông Lê Văn Hải (người dân xã An Bình, huyện Nam Sách) cho biết.

Theo báo cáo của UBND xã An Bình, chùa Trăm Gian được xây dựng với quy mô lớn vào thế kỷ XVII và được trùng tu nhiều lần vào thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX nên kiến trúc chùa Trăm Gian mang dấu ấn của thời đại này. Các công trình chính của chùa nằm trong một quần thể kiến trúc gần như khép kín.

Nhiều khu vực trong di tích quốc gia gạch đá xếp ngổn ngang. Ảnh: Hà Vi

Từ phía đông, mở đầu là gác chuông với 5 gian bít đốc, 3 gian giữa chồng diêm, mái cong. Gác chuông treo quả chuông được đúc năm Thành Thái thứ 2 (1890) cao 125 cm. Cách gác chuông 2m về phía sau là tiền đường 7 gian dài 16m, rộng 8m, nối liền với tiền đường là 3 gian tam bảo dài 11m, rộng 8m tạo thành hình chữ Đinh.

Ngoài những cổ vật, chùa Trăm Gian còn nổi tiếng với những mộc bản kinh Phật phục vụ in ấn. Ngôi chùa còn lưu giữ được hơn 700 mộc bản kinh Phật thuộc 7 đầu sách kinh.

Sân chùa, mái ngói nhuốm màu thời gian. Ảnh: Hà Vi

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Lao Động ông Nguyễn Đăng Xuân - Chủ tịch UBND xã An Bình (huyện Nam Sách) - cho biết, ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Hải Dương đã báo cáo phương án tu bổ, tôn tạo di tích quốc gia chùa Trăm Gian với các hạng mục chính như nhà mộc bản, nhà thiền, tam quan ngoại; các hạng mục phụ như cổng hậu, tường bao, hồ bán nguyệt, ao chùa... Tổng kinh phí tu bổ, tôn tạo trên 29 tỉ đồng từ ngân sách tỉnh hỗ trợ, huyện Nam Sách và các nguồn vốn hợp pháp khác.

"Hiện đã có báo cáo tóm tắt về việc tu bổ, tôn tạo chùa với các hạng mục sẽ được trùng tu là nhà mộc bản và nhà thiền cùng các hạng mục phụ trợ" - ông Xuân nói.

Mang trong mình giá trị đặc biệt về lịch sử và văn hóa nhưng hiện nay chùa Trăm Gian không còn giữ được nguyên vẹn kiến trúc từng có. Theo báo cáo tóm tắt dự án tu bổ, tôn tạo chùa Trăm Gian trước đây, khoảng đầu thế kỷ XX, ngôi chùa còn đủ 100 gian, trải qua chiến tranh ác liệt chỉ còn 82 gian. Năm 2009, chùa được đầu tư 13 tỉ đồng để tu bổ, tôn tạo nhiều hạng mục, nâng tổng số lên 85 gian.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn