MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dịch bạch hầu ở Đắk Nông bùng phát: Lỗi do ai?

BẢO TRUNG LDO | 11/07/2020 19:51

Dịch bạch hầu chưa bùng phát mạnh thì không sao, nhưng khi nó ập đến thì người ta mới tá hỏa phát hiện một số vùng ở Đắk Nông, một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số nhiều năm trước chưa được tiêm phòng vắc xin phòng bệnh; hoặc nếu có thì cũng chẳng đủ liều cần thiết...

Nhiều người dân ở tỉnh Đắk Nông ít hiểu biết, sợ đi tiêm phòng vắc xin (chương trình tiêm chủng quốc gia thường xuyên và tiêm chủng mở rộng) trong nhiều năm nay, dẫn đến bùng phát dịch bạch hầu.

Người đứng đầu CDC Đắk Nông thông tin rằng, nhiều năm trước, tỉ lệ tiêm chủng ở tỉnh quá thấp, người dân không tham gia tiêm chủng trong độ tuổi thường xuyên nên bị lũy tích một thời gian dài dẫn đến việc trở thành vùng lõm; miễn dịch trong cộng đồng không có nên rất dễ phát sinh dịch bệnh. Đây là một trong những nguyên nhân khiến dịch bạch hầu hoành hành trở lại ở địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Ít ngày trước, lãnh đạo Sở Y tế Đắk Nông còn nhấn mạnh, việc để ổ dịch bạch hầu đã xảy ra ở cộng đồng là do ý thức của người dân còn hạn chế, thiếu sự hợp tác. Bà con cho rằng tiêm vắc xin về sẽ bị sốt… Họ chỉ quan tâm đến cuộc sống mưu sinh, tập trung làm nương, đi rẫy. Ngoài ra, khi nào người dân nhớ thì tiêm phòng, không nhớ thì thôi.

Nhiệm vụ của lực lượng y tế các cấp là tuyên truyền, vận động nhắc nhở làm sao cho người dân phải thuận ý, chấp hành tiêm phòng. Nếu không thuyết phục được bà con thì cần phải xem lại năng lực của cán bộ y tế.

Ngành y tế Đắk Nông có thể viện đủ lý do để bào chữa cho vấn đề kể trên. Nhưng một khi không hoàn thành chỉ tiêu tiêm chủng cho người dân thì đó là thất bại của cả ngành y tế tỉnh.

Ở Quảng Hòa (huyện Đắk Glong, Đắk Nông) thời gian trước, cán bộ y tế địa phương vì không vận động được những người cố chấp, không chịu tiêm phòng nên phải đưa ra giấy cam kết để họ điểm chỉ hoặc ký xác nhận vào, gánh mọi trách nhiệm về sau. Giấy này phát sinh trong quá trình lực lượng y tế làm nhiệm vụ, gọi nôm na là ''cam kết không đi tiêm chủng mở rộng''. 

Cán bộ y tế ở đây không thể ''buộc'' dân chịu trách nhiệm thay mình một khi có sự cố không mong muốn xảy ra.

Hiện, tổng số người nhiễm bệnh bạch hầu tại Đắk Nông là gần 30 ca, với cả thảy 8 ổ dịch. Từ trẻ em cho đến tuổi người trung niên đều ghi nhận ca nhiễm. Tức, số ca nhiễm bạch hầu ở Đắk Nông chiếm đến khoảng 50% của toàn vùng Tây Nguyên. 

Nói như vậy không phải quy trách nhiệm, đổ lỗi hoàn toàn cho ngành y tế Đắk Nông vì đã để xảy ra thiếu sót, dẫn đến dịch bùng phát rồi loay hoay "cắt quân" đi dập.

Nguồn cơn của cơ sự ngày hôm nay đã nhen nhóm từ lâu, chỉ đợi thời điểm chín muồi mới xảy đến. Ngành y tế tỉnh vẫn đang nỗ lực kiểm soát tình hình, hết khử trùng, tiêm vắc xin cho dân rồi đến khoanh vùng ổ dịch... Nói tóm lại đủ kịch bản xử lý cũng như ứng phó được ''vẽ'' ra. Và tất cả chỉ là giải pháp tình thế, ''nước đến chân mới nhảy''.

Nhưng dập dịch được hay không, mất thời gian bao lâu và còn có bao nhiêu ca nhiễm bạch hầu mới ở Đắk Nông thì chẳng có ai có thể trả lời chắc chắn.

Những năm tới, dịch bạch hầu có tái bùng phát lại ở tỉnh thành - có ''tuổi đời'' vỏn vẹn 17 năm này hay không vẫn đang là một câu hỏi chờ ngành y tế, lãnh đạo Đắk Nông trả lời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn