MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng ba gác máy khá thịnh hành tại TPHCM, nhưng các bác tài cũng rất hay "hét" giá. Ảnh: Thế Lâm

Dịch vụ ba gác vận chuyển và vết xe đổ như xe ôm truyền thống

Thế Lâm LDO | 16/02/2022 07:00

Mỗi lần cần chở hàng hay đồ đạc, không ít người cứ nghĩ gọi dịch vụ ba gác vận chuyển trên đường sẽ tiện và rẻ hơn. Nhưng kỳ thực, giá vừa đắt, lại hay bị vòi vĩnh.

Nhiều người không biết, thuê dịch vụ giá đắt

Chị Thảo ở TP.Thủ Đức (TPHCM) cần đến quận 4 để vận chuyển bộ bàn ghế sofa và bộ bàn ăn chị mua lại với giá rẻ. Ban đầu, chị gọi xe chuyên chở là ba gác máy xung quanh khu vực chỗ ở, tài xế “hét" giá từ 800.000 đến 1 triệu đồng. Chị Thảo chuyển sang dịch vụ ôtô tải nhỏ cũng gọi tức thì trên đường, giá chỉ 500.000 đồng bao gồm cả phí hỗ trợ khuân vác.

Tình trạng “hét" giá của các tài xế ba gác máy chuyên chở hàng hiện diễn ra khá phổ biến. Anh Hùng chuyển một tủ lạnh loại 300 lít từ phường 6, quận 4 đến khu vực đường Gò Dầu, quận Tân Phú, thì tài xế ba gác máy gần khu vực nhà ở “hét” 500.000 đồng chưa tính tiền phụ khuân vác (nhiều khi là cái cớ để vòi thêm tiền). Sau đó, anh lên mạng tìm kiếm dịch vụ chở hàng thông qua một ứng dụng di động. Cũng cùng một đồ vật, quãng đường, nhưng giá khớp 281.000 đồng giờ không cao điểm, cộng cả phí hỗ trợ khuân vác ở 2 đầu thêm 100.000 đồng.

Anh Hùng cho biết: “Tài xế dịch vụ chuyển hàng qua ứng dụng vừa rẻ hơn, giá cả minh bạch lại nhiệt tình, lịch sự và đặc biệt là không có chuyện vòi vĩnh, xin thêm tiền…”.

Bởi cũng một lần chuyển đồ từ quận 1 sang quận 4, anh Hùng nhân tiện gọi một xe ba gác trên đường, bác tài chỉ phụ giúp một chút cùng người nhà của anh đưa một cái máy giặt từ nhà ra xe nhưng sau đó lập tức vòi thêm tiền. Anh Hùng cho thêm 50.000 đồng còn bị chê, đành phải tăng lên 100.000 đồng.

Đi vào vết xe đổ của xe ôm truyền thống

Chị Tuyết ở quận Bình Thạnh (TPHCM) một lần thuê xe ba gác chuyển đồ ra ga Sóng Thần (Bình Dương). Chị gọi điện theo tìm kiếm trên Google dịch vụ ba gác máy. Người nhận cuộc gọi hẹn 30 phút nữa có mặt, thế nhưng phải 90 phút sau, tài xế ba gác mới tới nơi, phân bua: “Thông cảm vì không rành đường nên đi hơi lâu”.

Trong trường hợp trên, nếu thuê dịch vụ xe chuyển hàng qua ứng dụng, các tài xế đều có thể sử dụng bản đồ Google và dễ dàng tìm ra điểm đến, khách hàng cũng hoàn toàn theo dõi được lộ trình của tài xế.

Thêm một điểm nữa, theo chị Tuyết, việc thuê xe ba gác hay xe tải tự do trên đường chuyển hàng cần có người áp tải đi cùng để bảo đảm xe chở đồ “đi tới nơi về đến chốn”. Nếu không, hàng hóa hay đồ đạc có thể rẽ đi đâu đó dẫn đến mất mát, thất lạc.

Còn thuê xe chở hàng qua ứng dụng, chị Tuyết cho hay hoàn toàn yên tâm, vì có thể theo dõi biết được khi nào hàng được giao tới nơi, thông tin tài xế được nắm rõ và hàng hóa hay đồ đạc nếu mất mát, hư hỏng đã có phía ứng dụng cung cấp dịch vụ chịu trách nhiệm.

Các dịch vụ xe ba gác máy, xe tải nhỏ chở hàng hoạt động tự do đang đi theo vết xe đổ như cách xe ôm truyền thống từ hàng chục năm trở về trước, như: Hay “hét" giá cao; nêu giá một đòi tiền khách một nẻo, thiếu nhiệt tình và lịch sự, hay vòi vĩnh, hàng hóa bị đổ bể hay hư hỏng cũng chẳng thể bắt đền…

Chị Thảo còn cho biết, trong lần thuê vận chuyển đề cập ở trên, chị móc túi bồi dưỡng thêm cho bác tài 50.000 đồng, nhưng bác tài lấy cớ “không có tiền thối lại” nên giữ luôn tờ 100.000 đồng.

Chị Tuyết bày tỏ: “Một số tình huống, họ xin thêm, vòi vĩnh nhưng với thái độ như ép mình vậy. Trong bối cảnh nếu khi đó ở nhà chỉ có một mình là phụ nữ thì tâm lý rất sợ bị họ hành hung nếu không bồi dưỡng như họ yêu cầu”.     

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn