MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Điểm chuẩn vào lớp 10: Nghịch lý điểm cao vẫn rớt, điểm thấp lại đậu

Nguyễn Văn Lực LDO | 30/06/2021 17:31
Theo dõi điểm chuẩn vào lớp 10 công lập của một số địa phương năm học 2021-2022, nhiều thầy cô, phụ huynh trăn trở khi điểm chuẩn đầu vào một số trường quá thấp, trong khi một số em có điểm thi cao nhưng vẫn trượt vì điểm chuẩn cao hơn.

Cụ thể, theo tìm hiểu, Cần Thơ là địa phương có điểm chuẩn đầu vào lớp 10 khá thấp, có những trường chỉ lấy điểm chuẩn hơn 1 điểm mỗi môn là vẫn trúng tuyển vào lớp 10 công lập. Như Trường THPT Giai Xuân có điểm chuẩn là 6, trong đó điểm Toán, Văn nhân hệ số 2, tiếng Anh nhân hệ số 1. Như vậy, thí sinh chỉ cần đạt trung bình 1,2 điểm/môn là có thể trúng tuyển.

Ngược lại điểm chuẩn Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) là 53,3 điểm, như vậy phải đạt xấp xỉ 9 điểm/môn (Văn+Toán)x2+ (Tiếng Anh+Lịch sử) thí sinh mới vào được ngôi trường này.

Điểm chuẩn đầu vào thấp liệu học sinh có đảm bảo được việc tiếp thu kiến thức mới hay không là nỗi lo của thầy cô các trường THPT và của phụ huynh.

Vấn đề đặt ra chất lượng giáo dục thực chất sẽ thế nào khi chất lượng đầu vào quá thấp như vậy và tại sao chúng ta vẫn đặt ra chỉ tiêu tuyển sinh THPT kiểu “vơ bèo vạt tép” trong khi đó nhiều em điểm cao vẫn rớt vậy có công bằng không? Để giải quyết nghich lý điểm thi thấp lại đậu nhưng điểm cao lại rớt như nói ở trên trong tuyển sinh vào lớp 10, nên chăng các địa phương cần bỏ điểm chuẩn trong tuyển sinh, nên định ra một mức điểm sàn tối thiểu để đảo bảo chất lượng, ngưỡng đầu vào tương đối chấp nhận được.

Việc tuyển sinh vào lớp 10 cũng không nên căn cứ vào chỉ tiêu, số phòng học, định biên giáo viên, không nên chạy theo số lượng tuyển sinh cho đủ… để tuyển sinh mà căn cứ vào chất lượng học của học sinh là chính. Đối với những học sinh có điểm chuẩn thấp sau thi tuyển, nên để các em học ở các Trung tâm giáo dục thường xuyên hay học nghề… là hợp lý.

Hầu hết hiện nay các địa phương vẫn tiến hành phương thức tuyển sinh vào lớp 10 công lập bằng thi tuyển và dựa vào chỉ tiêu tuyển sinh để định điểm chuẩn nên dẫn đến có trường điểm chuẩn rất cao nhưng có trường điểm chuẩn qua thấp như nói trên là chưa hợp lý. Nên chăng chỉ tổ chức thi tuyển đối với các trường có chỉ tiêu tuyển sinh thấp hơn chỉ tiêu đăng ký là 30%. Còn những trường có chỉ tiêu tuyển sinh bằng hoặc cao hơn chỉ tiêu đăng ký thì nên thực hiện xét tuyển là phù hợp.

Ngành giáo dục đang hướng đến điều mà Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: “Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai, thực thi cho một tinh thần lớn, đó là coi trọng thực tế, thực tiễn và thực chất”. Mong sớm thành hiện thực!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn