MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Điểm mới về cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập khi cải cách tiền lương

Quế Chi (ghi) LDO | 20/10/2023 11:24

Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Chính sách - pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam – trao đổi về một số điểm mới cũng như nguồn lực để cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27/NQ-TW.

Thưa ông, một điểm mới khi cải cách tiền lương đó là cơ cấu tiền lương mới sẽ bao gồm lương cơ bản và các khoản phụ cấp, đồng thời bổ sung tiền thưởng. Ông có thể nói rõ hơn về điểm này?

- Ông Lê Đình Quảng: Mục 3 Nghị quyết 27/NQ-TW năm 2018 về nội dung cải cách tiền lương có nêu rõ thiết kế cơ cấu tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang khi cải cách tiền lương như sau:

Nội dung cải cách

3.1. Đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công)

a) Thiết kế cơ cấu tiền lương mới gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Như vậy, cơ cấu tiền lương mới sẽ bao gồm lương cơ bản và các khoản phụ cấp.

Trong đó, lương cơ bản sẽ chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương và các khoản phụ cấp chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương.

Đồng thời bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Bản chất quỹ tiền thưởng là để động viên người lao động hoàn thành nhiệm vụ, khuyến khích người lao động làm việc có hiệu quả, chất lượng; tăng cường sự chủ động cho người sử dụng lao động, người đứng đầu cơ quan, đơn vị…

Khi cải cách tiền lương, một điểm mới về cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập đó là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng quỹ tiền lương và kinh phí chi thường xuyên được giao hằng năm để thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và quyết định mức chi trả thu nhập tương xứng với nhiệm vụ được giao. Điều này có ý nghĩa như thế nào?

- Ông Lê Đình Quảng: Đây là một nội dung mới trong cải cách chính sách tiền lương lần này. Điểm mới này là một thuận lợi rất lớn để người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thể chủ động trong sử dụng nguồn nhân lực nhằm thuê chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mình. Song yêu cầu đặt ra là phải sử dụng nguồn kinh phí thường xuyên để trả lương cho các chuyên gia đó phải thực sự hiệu quả. Đó là một bài toán đặt ra đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải giải quyết.

Ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Chính sách - pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ảnh: Hải Nguyễn

Nguồn lực dành cho chương trình cải cách tiền lương cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm. Ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

- Ông Lê Đình Quảng: Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9.2023, Chính phủ báo cáo mặc dù trong bối cảnh vừa phải phòng, chống và khắc phục hậu quả dịch bệnh COVID-19, vừa phải bảo đảm an sinh xã hội, nhưng Chính phủ vẫn tiết kiệm được 500.000 tỉ đồng để chuẩn bị cải cách tiền lương trong các năm 2024, 2025 và 2026 theo Nghị quyết 27 của Trung ương khóa XII.

Tôi tin rằng, các cơ quan của Chính phủ đã rà soát, thống kê, tính toán cụ thể về nguồn lực để chuẩn bị cho cải cách tiền lương trong 3 năm tới. Bên cạnh việc tiết kiệm được 500.000 tỉ đồng nói trên thì việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của năm 2023 ở mức cao nhất và trong cả giai đoạn từ nay đến 2025 sẽ là chìa khóa quan trọng để thực hiện cải cách tiền lương trong những năm tới.

Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn