MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vợ chồng ông Triệu Văn Thiên - bà Trương Thị Khôi (người dân tộc Dao) phản ánh việc bị ép nhận nợ để xây đường nông thôn mới. Ảnh: Bảo Nguyên

Diễn biến mới vụ ép người dân vùng cao nhận nợ xây đường nông thôn mới

Bảo Nguyên LDO | 18/07/2023 19:08

Yên Bái - Sau phản ánh của Báo Lao Động, Chủ tịch UBND huyện Yên Bình quán triệt đến tất cả các thôn bản, xã, phường, thị trấn trên địa bàn không được ép người dân viết giấy vay tiền làm đường nông thôn mới.

Báo Lao Động có nhiều bài viết về người dân Ngòi Ngần, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình bị ép viết giấy vay nợ do chưa đóng đủ tiền làm đường giao thông nông thôn mới.

Theo ông Triệu Văn Thiên, gia đình ông có 4 khẩu, phải nộp 8 triệu đồng. Đến nay, gia đình đã nộp được 4 triệu đồng và tham gia 2,5 công lao động để đổ bêtông tuyến đường nên được tính là 750.000 đồng.

“Hiện nay, đường đã làm xong, tổ tự quản thu chi của xóm yêu cầu gia đình phải ký giấy vay nợ 3.250.000 đồng, thế chấp bằng rừng. Đây là số tiền gia đình tôi còn thiếu, chưa có khả năng đóng góp để làm đường. Tôi rất sợ nếu không trả được tiền họ sẽ lấy đi đất rừng canh tác của mình”, bà Khôi - vợ ông Thiên nói.

Người dân phản ánh, do còn nợ tiền làm đường nông thôn mới nên họ bị ép ký giấy vay tiền, thế chấp đất rừng. Ảnh: Bảo Nguyên

Lý giải sự việc trên, ông Lê Thế Vinh - Trưởng thôn Ngòi Ngần, xã Bảo Ái cho biết, đường nông thôn mới của thôn được Nhà nước cho toàn bộ vật tư, vật liệu, dân tự giải phóng mặt bằng, tự làm nền đường và tự đổ bê tông theo tiêu chuẩn quy định.

Căn cứ quyết định phê duyệt dự toán làm đường xóm Ngòi Bình thuộc thôn Ngòi Ngần, người dân trong thôn nhất trí với mức đóng góp dự kiến hoàn thiện đoạn đường với số tiền khoảng gần 200 triệu đồng. Với số khẩu thực tế của xóm Ngòi Bình là 98 khẩu, chia ra dự kiến mức đóng tương đương 2 triệu đồng/khẩu.

Mỗi nhân khẩu xóm Ngòi Bình, thôn Ngòi Ngần phải đóng 2 triệu đồng để làm đường nông thôn mới dài 1,8km. Ảnh: Bảo Nguyên

Đến nay, mặc dù đoạn đường đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhưng nhiều hộ chưa đóng góp đầy đủ. Tính đến tháng 6.2023, xóm mới thu được khoảng 130 triệu đồng, còn thiếu gần 70 triệu đồng, trong đó có hộ ông Triệu Văn Thiên.

“Do tổ tự quản, giám sát, thi công và thủ quỹ của xóm Ngòi Bình đứng ra vay tiền để trả trước cho bên thi công, nên tổ tự quản đề xuất với các hộ gia đình làm hợp đồng vay tiền để có trách nhiệm cùng nhau thanh toán”, ông Vinh cho hay.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Minh Tiến - Chủ tịch UBND xã Bảo Ái khẳng định: “Hợp đồng cho vay nợ và phải thế chấp bằng rừng do tổ tự quản của xóm Ngòi Bình tự ý làm là chưa phù hợp. Xã đã yêu cầu hủy vì không có tính pháp lý. Hiện chúng tôi đang phối hợp cùng thôn, xóm tiếp tục vận động, giải thích để người dân đồng thuận đóng góp thanh toán xong tiền làm đường”.

Ông Nguyễn Minh Tiến - Chủ tịch UBND xã Bảo Ái trong buổi làm việc với PV Báo Lao Động. Ảnh: Bảo Nguyên

Liên quan đến vụ việc này, ông Nguyễn Xuân Trường - Chủ tịch UBND huyện Yên Bình cho biết, huyện đã nhận được báo cáo giải trình của xã, thôn, đồng thời yêu cầu Công an huyện Yên Bình xác minh làm rõ, nếu có dấu hiệu vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.

“Qua vụ việc này, chúng tôi sẽ quán triệt đến tất cả các thôn bản, xã phường thị trấn của huyện Yên Bình không được ép người dân viết giấy vay tiền làm đường giao thông nông thôn”, ông Trường khẳng định.

Được biết, trong giai đoạn 2021 - 2023, ngân sách Nhà nước hỗ trợ đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Yên Bình đạt trên 130 tỉ đồng.

Nguồn vốn tập trung đầu tư các công trình giao thông kết nối đến trung tâm các xã, công trình thủy lợi, trạm y tế, trường học và triển khai các chính sách hỗ trợ sinh kế cho người dân tộc thiểu số.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn