MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Liên quan đến vụ cấp bò giống gầy ốm, giá cao thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia tại Điện Biên, chính quyền muốn thu lại nguồn dự án còn người dân thì không muốn trả lại bò. Ảnh: Thanh Bình

Điện Biên tạm dừng cấp bò giống, doanh nghiệp cam kết hoàn lại tiền sau phản ánh của Lao Động

VĂN THÀNH CHƯƠNG LDO | 25/01/2024 12:13

Liên quan đến dự án cấp bò giống thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia tại Điện Biên, sau khi Báo Lao Động có loạt bài phản ánh về những bất cập, chính quyền đã yêu cầu tạm dừng dự án và thu hồi toàn bộ nguồn vốn.

Doanh nghiệp sẵn sàng trả lại tiền

Chiều 24.1, trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, đại diện lãnh đạo UBND huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên cho biết, ngay sau khi tiếp nhận phản ánh của Báo Lao Động, UBND huyện Điện Biên đã thành lập 3 đoàn công tác đi kiểm tra và làm việc với các hộ dân đã được cấp bò giống.

"Đến hết ngày 21.1, kết quả kiểm tra cho thấy, toàn bộ đơn vị, doanh nghiệp cung ứng đều không đáp ứng được yêu cầu về hồ sơ con giống theo các quy định hiện hành nên họ sẵn sàng trả lại tiền dự án" - vị lãnh đạo huyện Điện Biên thông tin.

Trên địa bàn huyện Điện Biên hiện có 4 doanh nghiệp đã cung cấp bò giống cho các dự án thuộc các Chương trình mục tiêu Quốc gia, gồm: Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư Xây dựng Đại Thành; Công ty Cổ phần Nông nghiệp 1 Hà Nội; Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư Xây dựng Trang Anh; Công ty Cổ phần Thương mại Du lịch và chuyển giao công nghệ Nông Lâm nghiệp Minh Long.

"Tại buổi làm việc với UBND huyện, đại diện cả 4 đơn vị này đều cam kết sẽ trả lại số tiền đã thanh toán với các xã trước ngày 31.1 do hồ sơ con giống không đảm bảo. UBND huyện cũng yêu cầu các xã tạm dừng triển khai dự án để tiến hành thu hồi vốn" - vị lãnh đạo huyện cho hay.

Hầu hết các hộ dân muốn giữ lại bò đã được cấp. Ảnh: Thanh Bình

Tiếc công chăm sóc, nhiều hộ dân muốn giữ lại bò

Trước câu hỏi của phóng viên Báo Lao Động, khi quyết định tạm dừng triển khai dự án và thu hồi nguồn vốn thì hơn 2000 con bò giống mà doanh nghiệp đã giao cho các hộ dân sẽ xử lý như thế nào, đại diện lãnh đạo huyện Điện Biên cho biết, ngoài xã Hẹ Muông đã thu hồi khoảng 180 con thì người dân các xã còn lại không muốn trả lại vì sau một thời gian chăm sóc, con giống đã thích nghi với môi trường.

"Khi các đoàn kiểm tra đi làm việc với các hộ dân, nhiều người cho rằng, nếu trả lại bò thì chưa biết khi nào sẽ được cấp lại. Trong khi đó, họ đã mất nhiều công chăm sóc. Do vậy, đã được cấp rồi thì họ muốn giữ lại để nuôi" - vị lãnh đạo huyện cho hay.

Vị này cũng cho biết, các doanh nghiệp cấp bò giống cũng chấp nhận thiệt thòi trước mắt và đồng ý để lại bò cho các hộ dân tiếp tục chăm sóc và chờ hướng giải quyết những vướng mắc trong quy định chất lượng con giống. Đối với những con bò gầy ốm, không đảm bảo sẽ được đổi trả.

"Về phía UBND huyện sẽ có báo cáo và kiến nghị với các cấp có thẩm quyền xin hướng tháo gỡ và áp dụng tiêu chuẩn con giống theo "Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia" mà Quốc hội vừa thông qua" - đại diện lãnh đạo UBND huyện Điện Biên cho biết thêm.

Trước đó, Báo Lao Động có loạt bài phản ánh liên quan đến những bất cập trong việc triển khai dự án cấp bò giống thuộc các Chương trình mục tiêu Quốc gia tại huyện Điện Biên.

Theo đó, có nhiều con bò giống gầy trơ xương đã được cấp cho nhiều hộ dân với giá cao. Vì khó triển khai, nhiều xã đã trả lại nguồn vốn nhưng huyện không nhận và nhiều xã đã tiếp nhận bò giống trong khi đơn vị cung cấp con giống chưa cung cấp đủ hồ sơ chứng minh nguồn gốc.

Ngày 16.1, phát biểu ý kiến tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khoá XV, bà Lò Thị Luyến - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên - đã có ý kiến tham gia vào dự thảo Nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến nội dung bất cập như Báo Lao Động phản ánh.

Bà Lò Thị Luyến - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên - tham gia ý kiến vào dự thảo Nghị quyết cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia tại kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khoá XV. Ảnh: Mai Hồng

Bà Luyến cho rằng, theo các quy định hiện hành, Điện Biên không có đơn vị nào đủ điều kiện để cung ứng nên các địa phương phải hợp đồng với đơn vị từ địa bàn khác, dẫn đến giá giống vật nuôi cao vì phải chịu chi phí vận chuyển, chi phí nuôi theo quy chuẩn... Bên cạnh đó, do vận chuyển xa, con giống chưa thích ứng với khí hậu nên dễ bị ốm.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đề nghị bổ sung vào dự thảo nghị quyết, trường hợp mua sắm giống cây trồng, vật nuôi do người dân trực tiếp sản xuất tại địa bàn triển khai dự án thì giống cây trồng, vật nuôi đó chỉ cần đáp ứng các tiêu chuẩn theo định mức kinh tế kỹ thuật do cấp tỉnh ban hành và được UBND cấp xã xác nhận.

“Phải quy định cụ thể về tiêu chuẩn con giống và việc xác định giá, như vậy địa phương mới triển khai việc ưu tiên sử dụng giống địa phương được” - Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên khẳng định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn