MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
CN Cty Matrix Vinh đình công, có nguyên nhân từ bữa cơm ca chỉ 12 nghìn

Diễn đàn: Bữa ăn ca của công nhân, từ đâu?

QUANG ĐẠI LDO | 06/10/2016 15:03
Vụ đình công tại Cty Matrix Vinh (Nghệ An) với sự tham gia của khoảng 3.000 người, chủ yếu nữ, đấu tranh đòi quyền lợi, trong đó có yêu cầu nâng mức ăn ca từ 12 nghìn lên 15 nghìn kéo dài đã 3 ngày, cho thấy nhiều tồn tại trong bữa ăn ca của công nhân (CN).

Thông tin trên báo Lao Động ngày 3.10 cho thấy qua số liệu điều tra, khảo sát tại các KCN trên địa bàn Hà Nội và khu vực lân cận, chỉ có 5,2% CN đạt sức khỏe loại A. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ bữa ăn ca chưa đủ chất dinh dưỡng, chưa đảm bảo vệ sinh, an toàn. Đặc thù của CN là làm việc liên tục từ 8-10 tiếng/ngày, bữa ăn ca có vai trò hết sức quan trọng đối với sức khỏe, tinh thần, năng suất lao động.

Ngày 25.2.2016, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết s 07c/NQ-BCH về về “Chất lượng ba ca của người lao động”, nêu rõ: vẫn còn tình trạng chất lượng bữa ăn ca chưa đáp ứnnhu cầu tái tạo sức lao động; chất lượng thực phẩm và điều kiện chế biến chưa tốt dẫn đến nguy cơ ngộ độc cao; đã xảy ra một số vụ ngừng việc tập thể do chất lượng bữa ăn ca không đm bảo ...

Nghị quyết nêu rõ “đảm bảo bữa ăn ca của người lao động với mức thấp nhất 15.000 đồng, khuyến khích các doanh nghiệp nâng mức bữa ăn ca cao hơn” (không gồm chi phí năng lượng, phục vụ). Điều này cho thấy Tổng LĐLĐ Việt Nam đặc biệt quan tâm nâng cao chất lượng bữa ăn ca cho CN.

Thực tế, bên cạnh nhiều DN thực hiện tốt bữa ăn ca, vẫn còn không ít DN không quan tâm đến bữa ăn ca, mức ăn quá thấp từ 10 – 12 nghìn, chất lượng không bảo đảm; vệ sinh kém; thực phẩm không rõ nguồn gốc. Vẫn có tình trạng các đơn vị cung cấp bữa ăn bớt xén khẩu phần của người lao động, hoặc mua thực phẩm kém chất lượng để tăng lợi nhuận.

Các cấp công đoàn cũng đã có nhiều kiến nghị, tác động, đấu tranh với chủ DN để nâng mức ăn cho CN, tuy nhiên, một số chủ DN cho rằng bữa ăn ca là tiền của DN bỏ ra, nên không bắt buộc phải đạt ở mức nào. Một số ý kiến cũng cho rằng hiện chưa có quy định của pháp luật, chế tài về bữa ăn ca nên khó xử lý.

Thực tế, làm gì có bữa ăn miễn phí nào của chủ DN dành cho CN. Không có ông chủ nào bỏ tiền túi ra mời CN ăn cơm trưa cả. Chủ DN đầu tư để thu lợi nhuận. Chi phí bữa cơm ca, thực chất là do công sức, mồ hôi của CN lao động mà ra. Bữa cơm ca tăng chi phí, đương nhiên lợi nhuận của chủ DN sẽ giảm, nhất là đối với DN đông CN, mức giảm càng lớn. Đây là lý do khiến nhiều DN tìm cách “lách luật”, không đầu tư thỏa đáng cho bữa cơm ca.

Tuy nhiên, đó chỉ làm cách nhìn thiển cận. Bởi vì chất lượng bữa ăn ca liên quan trực tiếp đến năng suất, chất lượng lao động; sự gắn bó của CN với DN. Xa hơn, gắn liền với thương hiệu, uy tín DN. Xin nhớ nguyên lý “Ăn khế, trả vàng”, nghĩa là bỏ một đồng cho bữa ăn ca, ông chủ không mất đi đâu, mà còn lãi chán.

Vì vậy, đấu tranh để có một bữa cơm ca xứng đáng là hoàn toàn chính đáng. Chưa có luật về bữa ăn ca, thì kiến nghị bổ sung. Luật do con người làm ra, để phục vụ con người; còn kẻ hở thì điều chỉnh, thiếu thì bổ sung. Nếu DN khăng khăng không có luật về bữa ăn ca, thì cơ quan chức năng sẽ điều chỉnh mức lương tối thiểu lên; để người lao động tự bỏ tiền ra ăn trưa một cách đàng hoàng; không cần bữa ăn trưa “miễn phí” như hiện nay.

Trong Nghị quyết của Tổng LĐLĐ Việt Nam về chất lượng bữa ăn ca có giải pháp: “Trong quá trình thương lượng tập thể mà doanh nghiệp vẫn không thỏa thuận được với mức đề xuất của công đoàn cơ sở thì công đoàn cơ sở báo cáo và xin ý kiến công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức đình công (theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật) để yêu cầu cho được mức bữa ăn ca theo đề xuất”.

Đó là tinh thần chỉ đạo rất quyết liệt, để “điều trị” những “ca khó”. Tổ chức CĐ, người lao động có thể sử dụng “quyền phủ quyết” (đình công) để đấu tranh nhằm nâng cao chất lượng bữa ăn ca.

Đồng thời có những giải pháp (đấu thầu rộng rãi, giám sát thường xuyên) để ngăn chặn, triệt tiêu tình trạng các đơn vị cung cấp bữa ăn bớt xén khẩu phần CN hoặc trục lợi từ nguồn thực phẩm không đảm bảo chất lượng, không an toàn.

Bên cạnh bữa ăn ca, cần có giải pháp để nguồn thực phẩm, lương thực cung cấp thường xuyên cho CN tại các KCN bảo đảm vệ sinh, an toàn; tránh tình trạng trôi nổi, thiếu kiểm soát.

Không thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công từ một đội ngũ CN nền tảng thể lực yếu kém do chất lượng bữa ăn không bảo đảm.

Clip CN Cty Matrix đình công:




CN Cty Matrix Vinh đình công, có nguyên nhân từ bữa cơm ca chỉ 12 nghìn
Một suất cơm ca tại KCN Bắc Vinh (ảnh do CN cung cấp)

Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình tại phần Bình luận sau mỗi bài viết; bấm vào chuyên mục "Làm báo cùng Lao Động" hoặc gửi vào địa chỉ email: bandoclaodong@gmail.com; Fanpage Báo Lao Động: www.facebook.com/laodongonline. Bài viết của bạn đọc sẽ được trả nhuận bút. Bình luận (comment) của bạn đọc nhận được nhiều lượt thích (like) sẽ có phần thưởng xứng đáng. Trân trọng cảm ơn mọi đóng góp của bạn đọc.

 

 

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn