MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Diễn đàn: Đừng “bỏ quên” môn Giáo dục công dân!

Trương Khắc Trà LDO | 14/10/2016 15:22
Ngày 21.9, cộng đồng mạng xã hội vô cùng sửng sốt trước clip một nam thanh niên tẩm xăng tự thiêu rồi nhảy xuống dòng kênh Tân Hóa - Tp.HCM khi đã “gom” đủ 40.000 like trên facebook. Ít hôm sau, dư luận lại nhận thêm cú sốc từ hành động châm lửa… đốt trường của một nữ sinh lớp 8 tại Khánh Hòa cũng chỉ vì đã đủ 1.000 like ủng hộ trên facebook! Bạo lực học đường liên tiếp xảy ra ở Yên Bái, Thừa Thiên - Huế, Nghệ An, Nam Định, Thanh Hóa, Tiền Giang… khiến những người tâm huyết với giáo dục nước nhà không khỏi băn khoăn trăn trở: Làm sao để ngăn chặn?

Có lẽ, ngành giáo dục đã “cảm nhận” được sức “nóng” phát ra từ những bất cập quá lớn trong sự nghiệp trồng người nên mới đây Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chấn chỉnh: “Giáo dục là con người”! Điều này không phải mới mẻ mà là động thái cần thiết để trả lại cho giáo dục đúng vị trí vốn có.

Vâng, giáo dục không phải cái gì khác mà đó chính là con NGƯỜI (viết hoa) khẳng định này của Bộ trưởng Nhạ đã gieo mầm hy vọng cho 40.000 giáo viên đang giảng dạy môn Giáo dục công dân trong nhà trường phổ thông với tư cách là môn học dạy làm người.

Tầm quan trọng đặc biệt của môn học này trong hệ thống các môn học ở trường phổ thông là ở chỗ nó góp phần hình thành thế giới quan lành mạnh ở học sinh, giúp học sinh biết phân biệt lẽ phải, trái; biết tôn trọng bản thân và tôn trọng người khác; biết sống trung thực, khiêm tốn, dũng cảm, biết yêu thương và vị tha…

Người viết bài này không có ý đổ hết lỗi cho ngành giáo dục về thực trạng đạo đức xuống cấp, tuổi trẻ sống thờ ơ lãnh đạm, con người này càng dửng dưng trước nỗi đau của đồng loại, thói ích kỷ, nhỏ nhen…, nhưng ít ra ngành giáo dục cũng cần xem lại đã đối xử đúng mức với những môn học dạy về lòng bao dung, vị tha, trang bị thế giới quan, nhân sinh quan cho con người như Giáo dục công dân hay chưa!?

Mang danh phận môn phụ nên Giáo dục công dân như là môn học… cho có, bởi lẽ không biết tự khi nào chính thầy cô bằng mọi cách khiến cho học sinh có suy nghĩ rằng Toán, Lý, Hóa… mới quan trọng, vì đây là các môn thi tốt nghiệp cũng như đại học, là cái cần câu cơm trong tương lai.

Cách nghĩ này không sai nhưng nó chứa đựng nhiều điều mà những người làm giáo dục phải nghĩ suy. Những cái “giật mình”, “đáng tiếc”, “thương tâm”… mà báo chí phản ánh chính là hệ quả tất yếu của một nền giáo dục xem nhẹ “dạy làm người”. Nếu chỉ chú trọng nhồi nhét kiến thức hàn lâm, quá coi trọng thi thố bằng cấp mà không quan tâm đến thế nào là bao dung, vị tha, thế nào là tình yêu chân chính, chân lý, lẽ phải… thì không khác nào chúng ta đang “lắp ráp” những con robot sống bằng mớ kiến thức khô khan. Và hệ quả, ngành giáo dục đã và đang đào tạo ra một thế hệ học sinh chỉ biết học và học, lớn lên bằng sự vị kỷ, lạnh lùng và ít quan tâm đến các vấn đề nhức nhối trong xã hội, ít dần cảm xúc mặc dù có điểm số toán học và khoa học cao, một thế hệ “gà công nghiệp” đang dần lộ diện.

Có lý do để lo lắng bởi theo số liệu được Bộ GD&ĐT tạo thống kê gần đây, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày), cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau.

Rõ ràng, lĩnh vực dạy là người đang là lỗ hổng lớn của ngành giáo dục. Hiện cả nước có 40.000 giáo viên đang giảng dạy môn giáo dục công dân, với số tiết hạn chế chỉ khoảng 1,2 tiết/ tuần, lương chính đã thấp lại không có “đất” để dạy thêm như các môn khác khiến không ít giáo viên tâm huyết khó bám trụ với nghề. Số sinh viên tại các trường sư phạm có đào tạo giáo dục chính trị ngày càng teo tóp dần, phần vì khó xin việc, phần vì vị thế môn phụ trong nhà trường khiến những thầy cô dạy môn này chưa được xem trọng.

Trước tình trạng học sinh vi phạm đạo đức, thậm chí vi phạm pháp luật, đang có chiều hướng gia tăng, việc nâng cao chất lượng dạy và học đối với môn giáo dục công dân cần phải được chú trọng. Mặt khác, những tri thức rút ra từ môn học này là hành trang vô cùng cần thiết để học sinh có thể trở thành những công dân tốt trong tương lai.

Đổi mới giáo dục là nhiệm vụ không cần phải đắn đo do dự, nhưng chúng ta chỉ “quen” bàn về các vấn đề to lớn như thi cử, ôn luyện, chạy trường chạy lớp, chỉ biết tuyên dương tán thưởng những tấm huy chương Vật lý, Toán học, Hóa học… mà ít khi để ý đến khía cạnh dạy làm người ra sao!?

Thực tế cho thấy, nhiều phụ huynh chỉ cần con em họ đạt điểm số cao, có giấy khen thế là đủ, với nhà trường chỉ cần tỷ lệ lên lớp cao, số lượng học sinh giỏi ngất ngưởng… vậy là hoàn thành chỉ tiêu nhưng cả phụ huynh và nhà trường ít khi quan tâm xem cái cách con em mình tiếp cận với các vấn đề trong cuộc sống, xử lý các mối quan hệ trong xã hội ra sao, bởi vậy mới còn nhiều những điều “đáng tiếc”, “đau lòng”, “giật mình”…

Chúng ta không quan tâm dạy cách làm người nhưng chính chúng ta lại bàng hoàng lên án và kinh ngạc trước thực trạng lên ngôi của cái ác, cái xấu, nhiều người thấy sai trái không đủ bản lĩnh để bảo vệ… và nhiều những câu hỏi tại sao và tại sao?! Tầm quan trọng là thế nhưng Giáo dục công dân chưa bao giờ được đặt đúng vị trí.

Cách đây 10 năm, thời chúng tôi đi học môn học này đã có lúc bị “nhường” thời lượng cho những môn quan trọng khác vào thời điểm ôn thi tốt nghiệp phổ thông. Tới 10 năm sau, tôi mới hiểu vì sao học sinh, sinh viên ngày càng nhiều kiến thức hàn lâm nhưng đuối hoàn toàn trước các vấn đề mà cuộc sống đặt ra.

Trương Khắc Trà - truongkhactra87@gmail.com

Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình tại phần Bình luận sau mỗi bài viết; bấm vào chuyên mục "Làm báo cùng Lao Động" hoặc gửi vào địa chỉ email: bandoclaodong@gmail.com; Fanpage Báo Lao Động: www.facebook.com/laodongonline. Bài viết của bạn đọc sẽ được trả nhuận bút. Bình luận (comment) của bạn đọc nhận được nhiều lượt thích (like) sẽ có phần thưởng xứng đáng. Trân trọng cảm ơn mọi đóng góp của bạn đọc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn