MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông tây dùng xe máy chặn trước đầu ôtô 4 chỗ trên đường Đinh Tiên Hoàng, quận 1 (Ảnh minh họa từ Zing News)

Diễn đàn: Ông Tây dạy dân ta văn hóa giao thông

Ly Giang LDO | 19/10/2016 11:02
Vào lúc 17h, ngày 18.10 trên đường Đinh Tiên Hoàng (Phường Bến Nghé, Quận 1), câu chuyện một ông Tây chặn chiếc ôtô 4 chỗ hiệu Honda chạy ngược chiều, đã làm dậy sóng, suy nghĩ về những hành vi, ứng xử văn hóa giao thông của người dân

Lâu nay việc xây dựng văn hóa giao thông đã được nhiều chuyên gia xem là biện pháp quan trọng nhất nhằm kéo giảm tai nạn giao thông. Nhưng để hình thành và duy trì những hành động, ứng xử văn hóa giao thông đẹp trên đường phố là một chuyện không hề đơn giản. 

Những sự việc xảy ra trên đường đã cho chúng ta thấy được sự việc rất đơn giản nhưng sau đó lại xé ra to. Vậy trong suy nghĩ dẫn đến hành động là rất mong manh, nếu không biết kiểm soát hành vi. 

Từ việc ông Tây cho người Việt thấy thế nào là văn hóa giao thông, nhiều người vẫn suy nghĩ văn hóa giao thông là phải chấp hành đúng, gương mẫu và tự giác đối với luật giao thông.  

 Vị khách nước ngoài đứng chặn đầu xe máy, không cho cô gái lái vào phố đi bộ
(Ảnh minh họa của báo An Ninh Thủ đô)

Để làm được như vậy, cần loại bỏ các hành vi vượt đèn đỏ, dừng đỗ đèn đỏ không đúng quy định… Những hành vi đó thể hiện một hình ảnh không đẹp trong mắt những người xung quanh, đặc biệt là người nước ngoài đang làm việc và sinh sống tại Việt Nam. 

Chính những hành vi tưởng chừng như là nhỏ, nhưng để lại một ấn tượng xấu về con người và đất nước, phải chăng ý thức khi tham gia giao thông là quan trọng để giúp giảm thiểu tình trạng tắc đường do ai cũng muốn đi nhanh, muốn chen lấn, đang chạy mà thấy đèn vàng thì cố chạy vượt cho khỏi phải dừng đèn đỏ, đèn xanh chưa kịp bật đã đâm đầu chạy... từ sự ích kỷ đó đã dẫn đến những vụ tai nạn không đáng có, những vụ việc va chạm, tranh cãi, thậm chí đánh lộn trên đường. 

Khi “văn hóa nhường nhịn” không được đặt lên trên hết thì sẽ dẫn đến những hành động không đáng có. Truyền thống văn hóa người Việt rất coi trọng việc nhường nhịn, từ những hành động nhỏ, nhường đường cho người khác, chia sẻ lẫn nhau không chỉ trong cơn hoạn nạn mà có khi là rất đời thường. 

“Ông Tây” liên tục chỉ vào biến cấm đi ngược chiều để nhắc nhở người vi phạm
(Ảnh Minh họa từ Tintuc Online) 

Chính “văn hóa nhường nhịn” sẽ cho chúng ta suy ngẫm lại và chấp hành tốt hơn khi tham gia giao thông, để từ đó chúng ta có một bức tranh đẹp. Mỗi cách ứng xử của mọi người sẽ làm cho thành phố ngày càng văn minh, lịch sự hơn. Đã đến lúc chúng ta cần thể hiện văn minh, lịch sự khi tham gia giao thông, biết suy nghĩ lại những hành động trước đây để tập thói quen đẹp trong ứng xử khi tham gia giao thông. 

Trong bối cảnh đường xá quá tải, giao thông cá nhân tăng cao, các công trình đào bới đường sá ở khắp nơi, triều cường dâng cao, thì việc xây dựng văn hóa nói chung và văn hóa giao thông nói riêng sẽ thúc đẩy xã hội ngày càng tiến bộ, văn minh hơn trong cuộc sống. Bên cạnh đó, chính quyền thành phố cũng cần xem xét lại quy hoạch không gian ở các quận trung tâm, phân luồng các tuyến đường giảm tải lượng xe lưu thông trong giờ cao điểm.

Hãy tham gia Diễn đàn! Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình tại phần Bình luận sau mỗi bài viết; bấm vào chuyên mục "Làm báo cùng Lao Động" hoặc gửi vào địa chỉ email: bandoclaodong@gmail.com; Fanpage Báo Lao Động: www.facebook.com/laodongonline. Bài viết của bạn đọc sẽ được trả nhuận bút. Bình luận (comment) của bạn đọc nhận được nhiều lượt thích (like) sẽ có phần thưởng xứng đáng. Trân trọng cảm ơn mọi đóng góp của bạn đọc.

 

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn