MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa (internet)

Diễn đàn: Sự bất cập trong công tác quy hoạch cán bộ

Phạm Văn Chung LDO | 14/10/2016 11:33
Thời gian gân đây dư luận liên tục lên tiếng, bức xúc về vấn nạn “con ông, cháu cha” hoặc “cả họ làm quan”. Nguyên nhân xuất phát từ công tác tuyển chọn, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm cán bộ chúng ta còn rập khuôn, khép kín và một số nơi còn mất dân chủ, chuyên quyền, độc đoán trong công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ. Theo chúng tôi quan trọng nhất vẫn là công tác quy hoạch cán bộ.

Công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với từng địa phương, cơ quan, đơn vị và cả đất nước. Địa phương nào, ngành nào, đơn vị nào lựa chọn được đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là các vị trì đứng đầu tốt, có chất lượng, dám nghĩ, dám làm sẽ góp phần quan trọng thuc đẩy sự phát triển, đi lên của ngành, địa phương, đơn vị đó và ngược lại. 

Dưới gốc độ bài viết này, chúng tôi đề cập đến một số điểm chưa hợp lý trong việc quy hoạch công tác cán bộ đã gây khó khăn cho việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan nhà nước. 

Một thời gian dài trước đây chúng ta làm công tác quy hoạch cán bộ chưa được tốt, nhất là cán bộ cấp chiến lược (nhận định tại Đại hội Đảng lần thứ XI). Sau Đại hội Đảng lần thứ XI, công tác này được chấn chỉnh đi vào nề nếp, quy củ, việc quy hoạch cán bộ được tiến hành chặt chẽ, khoa học hơn đã tạo điều kiện cho công tác đào tạo, bồi dưỡng tránh bị động, thiếu hụt đội ngũ cán bộ kế cận. Tuy vậy, vẫn tồn tại hạn chế, bất cập đó là do “vướng” quy hoạch cán bộ mà việc đề bạt, bổ nhiệm được người tài vào các vị trí lãnh đạo, điều hành trong hệ thống cơ quan nhà nước khó khăn hơn, việc điều động, luân chuyển chậm, kém linh hoạt hơn trước. 

Vì “vướng” quy hoạch mà nhiều người trẻ, thực sự có tài lại không được cân nhắc, lựa chọn vào các vị trí lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, đơn vị. Nhiều trường hợp do sự cứng nhắc về quy hoạch mà nhiều cán bộ, công chức thực sự có năng lực, có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt nhưng bị gạt ra khỏi vị trí lãnh đạo điều hành trong các cơ quan, tổ chức trong hệ thống nhà nước, do không được quy hoạch. 

Bên cạnh đó, tình trạng vi phạm về trình tự, thủ tục trong công tác quy hoạch cán bộ của các ngành, địa phương chưa không được xử lý nghiêm minh, công khai. Nhiều nơi việc thực hiện quy hoạch cán bộ chưa chặt chẽ, công khai, minh bạch, có dấu hiệu cục bộ, độc đoán, bè phái, mất dân chủ nhưng không bị xử lý kỷ luật theo quy định. Chính vì vậy, đã làm cho các vụ vi phạm về quy hoạch cán bộ ngày càng tăng, phức tạp hơn. Chế tài cho hành vi này cũng còn quá nhẹ, minh chứng là đến nay chưa có cá nhân, tổ chức nào bị xử lý vì vi phạm công tác quy hoạch cán bộ, nếu có thì cũng chỉ phê bình, nhắc nhở chung chung, hình thức.  

Theo quy định hiện hành thì chu kỳ quy hoạch thường là 5 năm, có thể 10 năm cho một vị trí lãnh đạo quản lý, điều hành nào đó. Vì vậy, dẫn đến tình trạng khi người đứng đầu, lãnh đạo sắp về hưu hoặc trước khi chuyển công tác khác sẽ tìm cách đưa người cùng phe cánh, con em, họ hàng mình vào quy hoạch. Điều này đồng nghĩa những người không cùng nhóm, họ hàng hoặc mới tuyển dụng vào cơ quan sẽ không nằm trong quy hoạch lãnh đạo, quản lý và như thế sẽ không được cân nhắc, bổ nhiệm. Trong khi đó, quy trình về bổ sung quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý nhiều nơi làm chưa tốt, tùy tiện và thông thường thì nửa sau nhiệm kỳ sẽ không bổ sung quy hoạch cán bộ.   

Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần xem xét chấn chỉnh tình trạng này theo hướng cần công khai minh bạch trong việc lựa chọn cán bộ, công chức vào các vị trí quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý. Coi quy hoạch chỉ căn cứ đào tạo, bồi dưỡng và để tham khảo trong công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ chứ không phải là điều kiện quyết định. Đặc biệt, không nên cứng nhắc hoặc lợi dụng quy hoạch mà loại những cán bộ trẻ, có năng lực, nhiệt tình ra khỏi các vị trí lãnh đạo, quản lý. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay, khi cả nước đang triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ 12 của Đảng.         

 Phạm Văn Chung  Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum   

Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình tại phần Bình luận sau mỗi bài viết; bấm vào chuyên mục "Làm báo cùng Lao Động" hoặc gửi vào địa chỉ email: bandoclaodong@gmail.com; Fanpage Báo Lao Động: www.facebook.com/laodongonline. Bài viết của bạn đọc sẽ được trả nhuận bút. Bình luận (comment) của bạn đọc nhận được nhiều lượt thích (like) sẽ có phần thưởng xứng đáng. Trân trọng cảm ơn mọi đóng góp của bạn đọc.
           

 

                                  

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn