MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Diễn đàn: Tiếc cho vị trí môn giáo dục công dân!

Trần Vũ LDO | 15/10/2016 08:38
Trên Báo Lao Động ra ngày 12/10/2016, có bài viết: “Giáo dục công dân phải là môn thi bắt buộc”. Đúng thế, lẽ ra trong phương án thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2017, Bộ GD&ĐT phải đưa môn Giáo dục công dân làm môn thi bắt buộc, bởi vì:

Trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể năm 2018, Bộ GD&ĐT thiết kế môn Giáo dục công dân là môn học bắt buộc được thể hiện:

- Ở giai đoạn giáo dục cơ bản (cấp Tiểu học và cấp Trung học cơ sở), môn Giáo dục lối sống/ Giáo dục công dân là một trong các môn học bắt buộc. Ở giai đoạn này, nội dung chủ yếu của môn Giáo dục lối sống/Giáo dục công dân là: “Giáo dục đạo đức, văn hoá pháp luật, giá trị sống, kỹ năng sống và thực hành tiết kiệm”.

- Ở giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp Trung học phổ thông), môn Công dân với Tổ quốc là một trong 4 môn học bắt buộc. Ở giai đoạn này, nội dung chủ yếu của môn Công dân với Tổ quốc là: “Giáo dục đạo đức, văn hóa pháp luật, giá trị sống, kỹ năng sống, những hiểu biết ban đầu về kinh tế phổ thông, về quốc phòng và an ninh”.

Như vậy, có thể thấy, Bộ GD&ĐT đã xác định môn Giáo dục công dân (Giáo dục lối sống/ Giáo dục công dân; Công dân với Tổ quốc) có vị trí rất quan trọng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể năm 2018, bởi vai trò của môn học là hình thành kỹ năng sống; hình thành nhân cách và phẩm chất đạo đức của con người; mà nhà trường phải xây dựng cho học sinh ngay từ khi còn đi học.

Mặt khác, đạo đức lối sống của một bộ phận học sinh hiện nay đang có vấn đề, như: Thách đố trên facebook, nữ sinh tẩm xăng đốt trường ở Khánh Hoà; các nhóm học sinh ở Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, Thừa Thiên- Huế... đánh hội đồng bạn vì những xích mích cá nhân”… gây lo lắng thật sự cho nhà trường và phụ huynh học sinh.

Thế nhưng, rất tiếc trong phương án thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2017, Bộ GD&ĐT chỉ quy định Giáo dục công dân là môn tự chọn trong tổ hợp môn Khoa học Xã hội. Quy định như thế, có thể sẽ có nhiều học sinh không chọn môn này để thi tốt nghiệp THPT, bởi Giáo dục công dân được coi là môn phụ ở trường phổ thông nhiều năm nay, chỉ mới lần đầu đưa vào thi tốt nghiệp; mặt khác với quan niệm “học để thi, có thi mới học” thì học sinh sẽ còn xem nhẹ môn học này, nếu không là môn thi bắt buộc.

Do vậy, thiết nghĩ, Bộ GD&ĐT nên đưa môn Giáo dục công dân là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tuyển vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng, bởi bộ môn này có tầm quan trọng trong việc giáo dục đạo đức , lối sống cho học sinh. Mặt khác, nếu là môn thi bắt buộc sẽ phù hợp với cơ cấu môn học trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể năm 2018 mà Bộ GD&ĐT đã công bố và quan trọng hơn hết là bộ môn Giáo dục công dân đáp ứng được mục tiêu của giáo dục phổ thông theo Luật Giáo dục 2005, đó là: “Giúp học sinh phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất, thẩm mỹ và các kỹ năng cơ bản, phát triển năng lực cá nhân, tính năng động và sáng tạo, hình thành nhân cách con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa, xây dựng tư cách và trách nhiệm công dân; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học lên hoặc đi vào cuộc sống lao động, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Trần Vũ (Tây Ninh) - tranquay33@gmail.com

Bạn đọc có thể bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình tại phần Bình luận sau mỗi bài viết; bấm vào chuyên mục "Làm báo cùng Lao Động" hoặc gửi vào địa chỉ email: bandoclaodong@gmail.com; Fanpage Báo Lao Động: www.facebook.com/laodongonline. Bài viết của bạn đọc sẽ được trả nhuận bút. Bình luận (comment) của bạn đọc nhận được nhiều lượt thích (like) sẽ có phần thưởng xứng đáng. Trân trọng cảm ơn mọi đóng góp của bạn đọc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn