MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Điện mặt trời mái nhà giá 0 đồng sẽ không khuyến khích doanh nghiệp đầu tư

Anh Tuấn LDO | 11/05/2024 06:00

Bà Nguyễn Phương Mai - chuyên gia tư vấn các dự án hỗ trợ ngành năng lượng tái tạo cho biết, nếu điện mặt trời không được bán, hoặc chỉ được bán với giá 0 đồng, có nghĩa là thị trường không có. Như vậy sẽ không khuyến khích đầu tư điện mặt trời mái nhà.

Điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu là phù hợp

Tại dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu đang được Bộ Công Thương xin ý kiến, bộ này đề xuất, nếu không nối lưới điện quốc gia thì loại hình điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu được phát triển không giới hạn công suất; còn nếu nối lưới sẽ ghi nhận sản lượng với giá 0 đồng trong khoảng công suất giới hạn là 2.600MW.

Đối với Nghị định này, Văn phòng Chính phủ đề nghị làm rõ nội hàm "tự sản, tự tiêu"; nghiên cứu kỹ lưỡng và đưa chính sách phải khuyến khích đầu tư cho loại hình sản xuất nguồn điện này. Quy định việc tích điện cụ thể để nguồn tự sản, tự tiêu nhưng sử dụng không hết được bán thế nào? Giá bán trên nguyên tắc nào? Nên khuyến khích bán nhưng có điều kiện.

Bà Nguyễn Phương Mai - chuyên gia tư vấn các dự án hỗ trợ ngành năng lượng tái tạo cho biết, chủ trương phát triển điện mặt trời mái nhà theo hình thực tự sản, tự tiêu là đúng, bởi sẽ giảm tải cho lưới điện quốc gia; tận dụng hiệu quả tiềm năng điện mặt trời lớn như Việt Nam.

Điện mặt trời mái nhà “tự sản tự tiêu” cần một cơ chế khuyến khích thông thoáng. Ảnh: Nguyễn Loan

"Dự thảo Nghị định bây giờ mới ra đời là hơi muộn. Lẽ ra khi hết thời hạn của cơ chế giá ưu đãi (giá FIT) đối với điện mặt trời, Chính phủ cần có ngay chính sách mới để tạo môi trường thuận lợi cho điện mặt trời, sẽ duy trì mạch đầu tư điện mặt trời tại Việt Nam tốt hơn. Chúng tôi kỳ vọng nghị định về điện mặt trời sẽ là đòn bẩy thúc đẩy cho điện mặt trời áp mái được phát triển”, bà Mai chia sẻ.

Tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Phát triển điện mặt trời mái nhà: Cơ chế nào phù hợp" do Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 10.5, ông Phạm Thành Khôn - Trưởng ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Long cho biết, điện mặt trời lắp đặt tại các khu công nghiệp được rất nhiều doanh nghiệp quan tâm.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là hành lang pháp lý về an toàn xây dựng, phòng cháy chữa cháy khi lắp đặt thêm hệ thống pin năng lượng mặt trời trên nhà xưởng chưa được cụ thể hóa, đây cũng là một trở ngại trong phát triển điện mặt trời tại các khu công nghiệp.

Bán giá 0 đồng sẽ không khuyến khích đầu tư điện mặt trời mái nhà

Theo bà Nguyễn Phương Mai, hiện tại, nếu điện mặt trời không được bán, hoặc chỉ được bán cho với giá 0 đồng, có nghĩa là thị trường không có. Như vậy sẽ không khuyến khích đầu tư điện mặt trời mái nhà.

"Chúng tôi mong muốn Nghị định sẽ tạo cơ chế cho phép điện mặt trời áp mái được tham gia vào thị trường mua bán điện", bà Mai bày tỏ.

Ông Phạm Đăng An - Phó Tổng Giám đốc Công ty Vũ Phong Energy Group cho hay, chi phí đầu tư ban đầu cho điện mặt trời mái nhà xưởng rất lớn, trong khi không phải lúc nào lượng điện sản xuất ra cũng sử dụng được hết.

Vì vậy, các doanh nghiệp mong muốn Nhà nước tạo cơ chế thông thoáng cho các doanh nghiệp được bán điện cho các doanh nghiệp, đối tác khác để nhanh thu hồi vốn đầu tư điện mặt trời.

Theo ông An, thời gian qua, để lắp đặt điện mặt trời mái nhà, doanh nghiệp phải làm hồ sơ gửi UBND cấp tỉnh. Thế nhưng quy định về những yêu cầu trong hồ sơ như thế nào thì chưa rõ ràng.

“Tôi làm việc với nhiều địa phương, hầu hết phản hồi chúng tôi nhận được từ Sở Công Thương các tỉnh, họ rất muốn hỗ trợ, nhưng đôi khi họ bối rối rằng, không biết nên căn cứ vào đâu để tôi từ chối hoặc cấp phép, hoặc yêu cầu bổ sung hồ sơ.

Vì vậy, chúng tôi mong mỏi Nghị định về điện mặt trời sẽ quy định rõ quy trình thủ tục xin cấp phép đầu tư điện mặt trời”, ông An kiến nghị.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn