MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thứ trưởng Vũ Văn Tám kiểm tra thiệt hại tại một hộ nuôi tôm huyện Thới Bình, Cà Mau.

Điêu đứng vì lúa, tôm chết

NHẬT HỒ LDO | 20/05/2016 08:12
Nắng nóng, khô hạn khiến cho người nông dân Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang thiệt hại nặng nề. Trong khi đang chờ hỗ trợ, những người nuôi tôm mong bù đắp lại những thiệt hại từ cây lúa. Thế nhưng, thêm một lần nữa thiên nhiên khắc nghiệt đã cướp đi của họ niềm hy vọng gần như cuối cùng.

Tôm, lúa nắm tay nhau cùng chết

Đợt nắng nóng kéo dài vừa qua đã làm cho gần 50.000ha lúa, chủ yếu lúa trên đất lúa - tôm tỉnh Cà Mau bị thiệt hại nặng nề. Nhiều nơi gần như không thu hoạch được gì như: U Minh, Thới Bình, Trần Văn Thời… chưa kịp khắc phục vụ lúa, họ hy vọng thả tôm trên đất lúa - tôm nhằm gỡ gạc lại phần nào đầu tư vào cây lúa. Tuy nhiên, do độ mặn trên các tuyến sông dao động từ 36 đến 42%o, trong ao đầm nuôi tôm từ 40 - 55%o, thậm chí có những nơi lên đến 60%o. Nắng nóng, xâm nhập mặn đã làm cho gần 52.500ha tôm nuôi, chủ yếu trên đất lúa tôm. Trong đó, tỉ lệ tôm chết trên 70% hơn 17.600ha, tôm chết từ 30 - 70% hơn 34.800ha, tổng thiệt hại trên 260 tỉ đồng.

Không riêng gì Cà Mau, tại mô hình lúa - tôm của Bạc Liêu đã có 12.322ha, Kiên Giang 13.776ha. Tính đến ngày 17.5, tám tỉnh ĐBSCL đã có 81.413ha tôm nuôi bị thiệt hại. Đáng chú ý hầu hết diện tích thiệt hại đều rơi vào mô hình lúa - tôm, mô hình nuôi tôm quảng canh. Theo Tổng cục Thủy sản, nguyên nhân dẫn đến tôm nuôi chết bất thường do thời tiết nắng nóng, độ mặn tăng cao. Khảo sát thực tế tại các địa phương có tôm bị thiệt hại, độ mặn dao động từ 40 - 60%o, cá biệt có nơi độ mặn trong ao tôm lên đến 70%o khiến cho tôm nuôi không thể sống được.

Ảnh hưởng nặng nề

Theo dự báo của Bộ NNPTNT sau hiện tượng El Nino sẽ tới La Nina vào tháng 6 sẽ mưa dầm. Điều này đồng nghĩa với việc tôm nuôi sẽ tiếp tục khó khăn. Ông Châu Công Bằng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Cà Mau lo lắng: “Nếu nắng nóng kéo dài cho hết tháng 5 và qua tháng 6, dự báo con số thiệt hại tại Cà Mau sẽ trên 100.000ha”. Ông Bằng cũng dẫn chứng, có địa phương như xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, gần như tôm chết đến 100%. Điều đáng nói là thấy tôm chết, người dân tiếp tục thả nuôi, càng thả càng chết vì mặn trên đầm tôm quá cao. Tuy nhiên, đó chưa phải là điều các hộ nuôi tôm ven biển lo lắng, bởi kết quả quan trắc cho thấy độ mặn trên đất lúa - tôm hiện cao hơn 30%o. Với độ mặn này, dù trời mưa cũng khó rửa trôi được nên ảnh hưởng đến vụ lúa tiếp theo. Ông Quách Trọng Thao - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Kiên Giang đưa ra con số: “ Hiện tại có đến 18.000ha diện tích lúa tôm không thể trồng lúa được do thiếu hệ thống thủy lợi và độ mặn quá cao”.

Phát biểu tại hội nghị giao ban nuôi tôm nước lợ trong điều kiện hạn và xâm nhập mặn vùng ĐBSCL tại Bạc Liêu ngày 19.5, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám đề nghị các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, khảo sát. Đặc biệt chú ý đến đời sống người nông dân ở mô hình lúa - tôm. Bởi họ đã chịu thiệt hại từ cây lúa rồi, nay lại thiệt hại về tôm khiến họ vô cùng khó khăn. Các đơn vị trực thuộc bộ, nhất là Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y cần bám sát địa bàn hơn nữa, không thể để tình trạng tôm chết liên tục mà báo cáo rất ít; cần có dự báo kịp thời, thống nhất lịch thời vụ để nông dân nắm kịp thời sản xuất bù vào số diện tích đã thiệt hại. Riêng Cà Mau, Thứ trưởng Tám đề nghị Sở NNPTNT tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh xem xét công bố thiên tai trên tôm để kịp thời hỗ trợ người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn