MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trong thực tế, có những giáo viên trẻ có năng lực xuất sắc, vượt trội hơn so với giáo viên lớn tuổi, hạng I-II. Ảnh: Hưng Thơ

Điều gì xảy ra nếu giáo viên hạng I dạy kém hơn giáo viên hạng III?

QUANG ĐẠI LDO | 22/03/2021 08:55

Để trở thành giáo viên hạng I, nhà giáo phải có ít nhất 15 năm công tác trong ngành, và có thể được giữ hạng trong khoảng 18-23 năm.

Theo quy định của Bộ GDĐT tại các Thông tư 01-02-03-04/2021 vừa ban hành, có hiệu lực từ 20.3, để trở thành giáo viên hạng I, nhà giáo phải có ít nhất 15 năm công tác trong ngành và các điều kiện kèm theo về bằng cấp, thành tích.

Hầu hết giáo viên 22 tuổi tốt nghiệp đại học, sau 15 năm công tác nếu đủ điều kiện sẽ được thăng giáo viên hạng I vào năm 37 tuổi. Giáo viên nữ sẽ có 15 năm làm giáo viên hạng I trước khi nghỉ hưu ở tuổi 55. Giáo viên nam sẽ có thời gian giữ hạng I là 23 năm, nếu nghỉ hưu vào năm 60 tuổi.

Nhà giáo Nguyễn Đình Anh (Nghệ An) phân tích: “Bộ GDĐT chỉ quy định về các điều kiện thăng hạng, không quy định thời gian giữ hạng tối đa, không quy định “rớt hạng”. Do đó, khi giáo viên đã thăng hạng thì được hưởng các quyền lợi liên quan đến khi nghỉ hưu”.

Theo nhà giáo Đình Anh, một bất cập là tình huống sau khi được thăng hạng, giáo viên có vi phạm, yếu kém vẫn được giữ hạng, không ảnh hưởng gì đến các quyền lợi liên quan.

“Đối với giáo viên, quan trọng nhất là trình độ kiến thức chuyên môn, kĩ năng sư phạm thể hiện ở hiệu quả công việc, chất lượng giáo dục. Việc quy định thăng hạng, giữ hạng viên chức như hiện nay không phù hợp thực tế” – thầy Đình Anh phân tích.

Nhà giáo Anh Đặng (Thanh Chương-Nghệ An) không đồng tình với quan niệm giáo viên mới ra trường chưa thể bổ nhiệm vào chức danh giáo viên hạng II hoặc hạng I vì chưa có đủ kinh nghiệm và các kỹ năng cần thiết khác như các giáo viên đã đi dạy 5-7 năm.

“Một giáo viên mới ra trường, đương nhiên chưa có kinh nghiệm như khi họ đã đi dạy 5- 7 năm. Nhưng họ có thể dạy và làm các công tác khác giỏi hơn nhiều người đã đi dạy 5 - 7 năm, thậm chí 15 năm”- nhà giáo Anh Đặng nói.

Theo nhiều giáo viên, quan niệm “thầy già, con hát trẻ” không phải lúc nào cũng đúng. Thực tế có những giáo viên trẻ mới ra trường rất xuất sắc, năng lực và kết quả công tác vượt trội so với nhiều giáo viên lớn tuổi.

“Thực tế có những giáo viên hạng III vì chưa đủ tuổi nhưng lại dạy giỏi hơn giáo viên hạng I. Trong tình huống này, cơ quan chức năng đã bị “trói” bởi chính quy định về chức danh nghề nghiệp giáo viên” – thầy Anh Đặng nói.

Từ đó, nhiều giáo viên phân tích và kiến nghị: Quyền lợi gắn liền với hạng chức danh nghề nghiệp là hệ số lương. Nếu trả lương theo chức danh, hạng viên chức mà không theo hiệu quả công việc thường xuyên thì sẽ không tạo động lực cho giáo viên, dẫn đến mất công bằng và lãng phí ngân sách.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn