MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Anh Hữu Đức trong chuyến chinh phục đỉnh Putaleng cao 3.049m thuộc xã Tả Lèng, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Ảnh: NVCC

Điều quan trọng nhất để chinh phục các đỉnh núi một cách an toàn

LƯƠNG HẠNH LDO | 05/05/2022 19:00

Câu chuyện người phụ nữ may mắn thoát chết khi bị rơi xuống vực sâu ở núi Yên Tử khiến nhiều người trẻ thích thám hiểm quan tâm đến vấn đề leo núi an toàn.

Yên Tử, Ky Quan San, Fansipang, Putaleng, Ngũ Chỉ Sơn... đều là những dãy núi đẹp mà nhiều người mong một lần được đặt chân đến. Song, để có một chuyến leo núi an toàn, trọn vẹn, người leo núi cần chuẩn bị rất nhiều thứ đặc biệt là có một sức khỏe tốt.

Bén duyên với nghề hướng dẫn du lịch mạo hiểm từ khi còn đang học đại học, anh Bùi Hữu Đức (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) đã chia sẻ kinh nghiệm leo núi của mình.

“Quê hương tôi ở Lào Cai. Từ nhỏ tôi đã rất yêu thích rừng núi, dần dà đến với đam mê leo núi. Năm 2018, khi còn đang là sinh viên đại học, tôi bắt đầu thực hiện ước mơ chinh phục tất cả các đỉnh núi khó nhất, cao nhất ở Việt Nam. Đến nay, tôi cũng đã đi được gần hết 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam như Fansipan, Putaleng, Ky Quan San… Nhờ đó, tôi cũng có được công việc hiện tại” - anh Đức bày tỏ.

Theo chàng trai này, giày, nước uống, thức ăn nhẹ là những thứ không thể thiếu cho một hành trình leo núi. Bên cạnh đó, kẹo ngọt, đường, trang phục cần gọn nhẹ, co giãn, thấm mồ hôi tốt cũng cần thiết khi đi leo núi. 

Anh Hữu Đức đã chinh phục đỉnh Lảo Thần, nơi được mệnh danh là nóc nhà Y Tý thuộc địa phận huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. 

Về kỷ niệm chinh phục đỉnh Putaleng (Lai Châu) có độ cao 3.049m, anh Đức nhớ về đoàn khách không may bị “bỏng lạnh” - một dạng tổn thương da khi tiếp xúc lâu với nhiệt độ đóng băng. Chuyện này diễn ra vào ban ngày, khi bị bỏng, vài người trong đoàn khách của anh không thể tiếp tục leo núi. Anh Đức đã phải hướng dẫn mọi người tạm thời dừng lại, sơ cứu y tế, ủ ấm, đốt lửa… rồi mới tiếp tục di chuyển.

Anh Hữu Đức trong một chuyến dẫn khách đi du lịch leo núi. 

“Yên Tử hay bất kỳ đỉnh núi nào cũng thế. Người tham gia leo núi phải chuẩn bị mọi thứ thật kỹ lưỡng từ trước. Tìm hiểu kỹ cung đường chuẩn bị đi, dụng cụ leo núi, dụng cụ y tế cơ bản, kỹ năng sinh tồn trong điều kiện thiếu thốn, khắc nghiệt… Nếu không may bị lạc đường, chúng ta cần bình tĩnh, giữ tinh thần lạc quan" - anh Đức nhấn mạnh.

Phong cảnh trên đỉnh Ky Quan San cao 3.046 mét (Lào Cai). Ảnh: NVCC

Anh Trương Đại Dương (Hà Nội) - một nhiếp ảnh gia đam mê leo núi - mới đây đã có chuyến đi leo núi Yên Tử (Quảng Ninh). Vừa kết hợp công việc chụp ảnh, vừa thỏa mãn đam mê leo núi, anh Dương cùng đoàn khách đã đến thăm núi Yên Tử có độ cao 1.068m. 

Ngay trong chuyến đi này, có một vị khách hơn 60 tuổi vừa khỏi COVID-19. Theo anh Dương, vị khách này có các triệu chứng "hậu COVID-19" nên đã bị choáng ngay khi vừa mới đi được 1/3 quãng đường. 

"Hôm đó, trời mưa phùn, đường trơn. Vị khách này bị khó thở, choáng vì sốc độ cao. Tôi phải vừa đi vừa đỡ chị ấy xuống khu vực cấp cứu y tế. Những vị khách tôi từng tiếp xúc, đa phần họ đều đi theo kiểu du lịch tâm linh, không chuẩn bị đầy đủ kiến thức để leo núi" - anh Dương nói.

Anh Đại Dương trong chuyến đi Yên Tử (Quảng Ninh) cách đây 3 tuần. Ảnh: NVCC

Cùng quan điểm với anh Đức, anh Dương cho rằng, điều quan trọng nhất để có thể chinh phục các đỉnh núi cao, mạo hiểm ở Việt Nam là người leo cần rèn luyện thể dục thể thao đều đặn. Yên Tử không thuộc top 15 đỉnh núi cao nhất ở Việt Nam, song đối với những người ít tham gia leo núi, chinh phục được đỉnh núi này cũng không phải dễ dàng. 

"Sức khỏe là điều quan trọng nhất để chinh phục các đỉnh núi" - vị nhiếp ảnh gia chia sẻ. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn