MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đổ thuốc bảo vệ thực vật bắt tôm sông Đồng Nai là đầu độc 20 triệu dân

Lục Tùng LDO | 23/01/2024 15:29

Việc đổ thuốc bảo vệ thực vật bắt tôm trên sông Đồng Nai không chỉ lạm sát thủy sản, mà còn đầu độc cả hệ sinh thái của 20 triệu dân trong lưu vực.

Mấy ngày gần đây, dư luận xã hội nóng lên với thông tin từ cơ quan truyền thông chính thống về hiện tượng đã trở thành phổ biến là đổ thuốc bảo vệ thực vật xuống ven sông Đồng Nai để bắt tôm tại khu vực ấp Ông Hường, xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Thậm chí, theo những người dân ven sông tại khu vực này, kiểu đánh bắt tận diệt thủy sản trên sông Đồng Nai này diễn ra từ năm 1995, nhưng gần đây rộ lên thêm.

Sau khi thông tin xuất hiện, UBND tỉnh Đồng Nai nhanh chóng chỉ đạo cơ quan chức năng, địa phương vào cuộc xử lý. Trong lúc chờ kết quả xác minh, thông tin này làm dấy lên nỗi lo lắng.

Theo nhiều chuyên gia môi trường, nạn đánh bắt này vô cùng nguy hiểm. Bởi sông Đồng Nai không chỉ là nguồn nước quý báu cho phát triển kinh tế - xã hội, mà còn là nguồn nước cung cấp cho sinh hoạt của 20 triệu người dân trong lưu vực. Vì thế, nếu không có biện pháp xử lý kịp thời sẽ có nhiều hệ lụy khó lường…

Khu vực đầu nguồn sông Đồng Nai. Ảnh: Lục Tùng

Trước hết, nạn đổ thuốc bảo vệ thực vật để đánh bắt thủy sản là phương thức lạm sát rất đáng lên án. Bởi phương thức chính ở đây là dùng thuốc làm cho tôm cá bị nhiễm độc cấp tính, nổi lờ đờ trên mặt sông để dễ dàng đánh bắt.

Phương thức này không chỉ đánh trúng số tôm đạt trọng lượng cần để phục vụ mưu sinh, mà còn khiến cả những loài có kích cỡ rất nhỏ cũng chết theo một cách oan uổng. Hành động này là sự lãng phí tài nguyên. Hơn nữa, những con tôm bị nhiễm độc cấp tính này, khi đến tay người sử dụng sẽ gây ra nạn nhiễm độc mạn tính với những hậu quả khó lường.

Nhiều công trình nghiên cứu tác hại của dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên người cho thấy, nếu tích tụ lâu ngày sẽ ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống, thậm chí xâm hại nặng nề đến sức khỏe, tính mạng, như giảm trí nhớ, gan, thận, phổi bị ảnh hưởng…

Nhưng đó chưa phải là giới hạn cuối cùng. Theo TS Tô Văn Trường - chuyên gia nghiên cứu độc lập về môi trường và tài nguyên nước, các loại thuốc bảo vệ thực vật này theo dòng thủy triều gây tác hại rộng lớn, ngấm vào bùn đáy và phiêu sinh vật…

Theo nhiều chuyên gia môi trường, việc đổ thuốc bảo vệ thực vật bắt tôm trên sông Đồng Nai không chỉ hủy diệt dã man nguồn thủy sản, mà còn đầu độc 20 triệu dân trong lưu vực. Ảnh: Lục Tùng

Theo đó, tôm cá nhỏ ăn bùn và phiêu sinh vật, tôm cá lớn ăn tôm cá nhỏ trong những mắt xích của chuỗi thực phẩm, đến con người ăn tôm cá lớn nằm là mắt xích cuối. Đó là chưa kể đến những tác động lâu dài đến hệ sinh thái dòng sông mà con người là nơi cuối cùng hứng chịu những tác động tiêu cực này.

Việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật để đánh bắt tôm trên sông Đồng Nai trong thời gian dài vừa qua không chỉ là hành động hủy diệt thủy sản dã man mà còn xâm hại đến chất lượng hoạt động kinh tế và chất lượng sống của hàng chục triệu người dân trong vùng kinh tế trọng điểm của đất nước.

Vì thế hơn bao giờ hết, cơ quan chức năng Trung ương và địa phương cần khẩn cấp phối hợp triển khai chương trình hành động, quyết liệt xử lý vấn nạn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật không chỉ ở phạm vi sông Đồng Nai trước khi mọi thứ trở nên quá muộn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn