MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Xe độ chế phóng nhanh, lạng lách gây mất TTATGT bị lực lượng chức năng bắt giữ. Ảnh: Khánh Phúc

Độ xe môtô, xe máy sẽ bị xử phạt đến 2 triệu đồng

Minh Hạnh LDO | 03/05/2023 07:38
Để khẳng định cái tôi và thú đam mê của mình, nhiều người đã độ xe (thay đổi hình thức ban đầu của của phương tiện cả ôtô và xe máy). Tuy nhiên, việc này cũng gây khó khăn cho cơ quan chức năng khi kiểm soát phương tiện vì nó không còn hình thù ban đầu của nhà sản xuất. Nhất là khi các phương tiện gây tai nạn giao thông hay dùng vào những việc phạm pháp.

Thời gian gần đây, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý rất nhiều trường hợp thanh, thiếu niên điều khiển xe máy độ chế phóng nhanh, vượt ẩu, tụ tập rú còi, nẹt pô gây mất an ninh trật tự, mất an toàn giao thông, gây nguy hiểm cho những người cùng tham gia giao thông. Qua kiểm tra, phần lớn những chiếc xe này đã được độ, chế về máy, pô xe và cả hình thức bên ngoài.

Liên quan đến vấn đề này luật sư Nguyễn Đức Toàn (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, theo Điều 55 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định không được tự ý thay đổi kết cấu xe, cụ thể:

- Việc sản xuất, lắp ráp, cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng và nhập khẩu xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ phải tuân theo quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Không được cải tạo các xe ôtô khác thành xe ôtô chở khách.

- Chủ phương tiện không được tự thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Như vậy, chủ phương tiện giao thông không được tự ý thay đổi kết cấu xe, làm sai lệch kết cấu so với thiết kế ban đầu của xe theo quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

Theo Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP) quy định về mức phạt lỗi tự ý thay đổi kết cấu xe năm 2022:

Đối với hành vi tự ý thay đổi kết cấu xe xe môtô, xe gắn máy: Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1 triệu 600.000 đồng đến 4 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe môtô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe môtô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

+  Tự ý cắt, hàn, đục lại số khung, số máy; đưa phương tiện đã bị cắt, hàn, đục lại số khung, số máy trái quy định tham gia giao thông;

+ Tự ý thay đổi khung, máy, hình dáng, kích thước, đặc tính của xe.

Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ôtô thực hiện hành vi tự ý cắt, hàn, đục lại số khung, số máy; đưa phương tiện đã bị cắt, hàn, đục lại số khung, số máy trái quy định tham gia giao thông.

Phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng đối với cá nhân, từ 12 triệu đồng đến 16 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe ôtô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ôtô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

Tự ý thay đổi tổng thành khung, tổng thành máy (động cơ), hệ thống phanh, hệ thống truyền động (truyền lực), hệ thống chuyển động hoặc tự ý cải tạo kết cấu, hình dáng, kích thước của xe không đúng thiết kế của nhà sản xuất hoặc thiết kế trong hồ sơ đã nộp cho cơ quan đăng ký xe hoặc thiết kế cải tạo đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; Tự ý thay đổi tính năng sử dụng của xe hoặc tự ý lắp đặt thêm cơ cấu nâng hạ thùng xe, nâng hạ container trên xe (kể cả rơ moóc và sơ mi rơ moóc).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn