MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Doanh nghiệp FDI lo tái diễn thiếu điện, Bộ Công Thương nêu giải pháp

Cường Ngô LDO | 10/04/2024 11:31

Thiếu điện xảy ra tại miền Bắc trong nửa cuối tháng 5, đầu tháng 6.2023 đã để lại nhiều ảnh hưởng trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Báo Lao Động đã có trao đổi với ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) về vấn đề này.

Quán triệt tuyệt đối công tác vận hành, đảm bảo đủ điện

Kể từ khi xảy ra tình trạng thiếu điện phải cắt điện luân phiên trong giai đoạn mùa khô năm 2023, nhiều doanh nghiệp FDI luôn bày tỏ lo lắng về vấn đề cung ứng điện của Việt Nam, sợ tái diễn tình trạng thiếu điện cho sản xuất. Bộ Công Thương có ý kiến thế nào?

- Việc đảm bảo cung cấp điện cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân luôn là một trong những mục tiêu hàng đầu của Chính phủ Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan thực hiện mọi giải pháp về cơ chế chính sách, đầu tư xây dựng, vận hành nhằm đảm bảo cao nhất việc cung cấp cấp điện cho hoạt động của nền kinh tế với tinh thần chỉ đạo xuyên suốt là "bằng mọi giá phải đảm bảo cung ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân".

Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về cơ chế chính sách, đầu tư xây dựng; quán triệt tuyệt đối trong công tác vận hành nhằm đảm bảo cao nhất việc cấp điện cho sản xuất, kinh doanh.

Ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương). Ảnh: Anh Tuấn

Bộ Công Thương dự báo nhu cầu sử dụng điện năm 2024 thế nào so với các năm trước, nhất là trong mùa khô năm nay ở miền Bắc?

- Dự báo nhu cầu sử dụng điện năm 2024 tiếp tục tăng trưởng cao so với năm 2023. Do đó Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 3110 ngày 30.11.2023 phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia năm 2024 với phương án cơ sở là phụ tải tăng 9,15%.

Việc này để định hướng vận hành hệ thống điện năm 2024 và tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện (tại đầu cực máy phát) và nhập khẩu của toàn quốc năm 2024 là 306,259 tỉ kWh, bám sát mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội năm 2024 đã được Quốc hội thông qua.

Bộ Công Thương cũng đã ban hành quyết định phê duyệt Kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô (tháng 4, 5, 6, 7) trong năm 2024 với phương án là phụ tải tăng 9.6% để dự phòng cho vận hành hệ thống điện trong các tháng cao điểm mùa hè.

Đồng thời tiếp tục bám sát tình hình tăng trưởng phụ tải để điều hành việc cung cấp điện, kể cả những trường hợp phụ tải tăng cao hơn dự kiến.

Thực hiện nhiều giải pháp

Nhiều ý kiến bày tỏ lo lắng về nguồn điện cho miền Bắc trong hai năm tới vẫn rất căng thẳng, nguy cơ thiếu điện hiện hữu khi các dự án có trong quy hoạch bị chậm tiến độ, khó có khả năng vận hành vào 2024-2025. Để đảm bảo điện cho miền Bắc không chỉ mùa khô năm nay mà trong cả những năm tới, Bộ Công Thương có giải pháp như thế nào?

- Để đảm bảo cung cấp điện cho các năm tiếp theo, Bộ Công Thương đã chỉ đạo và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp về vận hành để đảm bảo cao nhất việc cung cấp điện.

Trong đó tiếp tục chỉ đạo chủ đầu tư các nhà máy điện tuân thủ nghiêm Chỉ thị 29 của Thủ tướng chính phủ về chuẩn bị nhiên liệu cho sản xuất điện.

Yêu cầu chủ đầu tư các nhà máy điện đảm bảo đủ nhiên liệu phục vụ sản xuất điện, khẩn trương khắc phục các sự cố, chủ động đảm bảo các điều kiện kỹ thuật và đảm bảo khả dụng của các tổ máy phục vụ phát điện theo nhu cầu của hệ thống điện quốc gia. Vận hành linh hoạt các hồ chứa thủy điện, đặc biệt là các hồ chứa thủy điện đa mục tiêu nhằm đảm bảo cao nhất cho cung cấp điện các tháng mùa khô.

Tập trung chỉ đạo triển khai các công trình nguồn lưới điện, đặc biệt là các công trình trọng điểm như đường dây 500kV mạch 3, các dự án nguồn điện lớn như Nhơn Trạch 3-4, Quảng Trạch I, Vũng Áng II, Nâng công suất thủy điện Hòa Bình, Thủy điện Ialy….

Nghiên cứu, chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các các dự án điện khí trong nước, điện khí LNG, điện gió, điện mặt trời… nghiên cứu việc tăng cường nhập khẩu điện ở mức độ phù hợp.

Hoàn thiện khung khổ pháp lý về điện lực, trước mắt tập trung vào việc xây dựng Luật Điện lực sửa đổi, Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp DPPA, Nghị định về cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà, các thông tư về cơ chế giá điện, thị trường điện nhằm thu hút đầu tư trong lĩnh vực điện lực.

Xin cảm ơn ông!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn