MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Lê Thị Hiền đang rất búc xúc vì Công ty Cổ phần Dệt 19.5 Hà Nội chi nhánh Hà Nam nợ tiền BHXH kéo dài. Ảnh: Hà Anh

Doanh nghiệp nợ BHXH có thể bị phạt tiền đến 3 tỉ đồng

Hà Anh LDO | 22/02/2023 12:00

Bà Lê Thị Hiền (Hà Nam) hỏi: Chúng tôi là người lao động (NLĐ) thuộc chi nhánh Hà Nam của Công ty Cổ phần Dệt 19.5 Hà Nội. Gần 4 năm nay, lãnh đạo công ty không đóng BHXH cho chúng tôi, khiến quyền lợi của NLĐ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Xin cơ quan chức năng cho biết, việc doanh nghiệp nợ BHXH kéo dài thì có bị xử lý hình sự không? 

BHXH Việt Nam trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Quyết định số 595/QĐ-BHXH của BHXH Việt Nam: Hằng tháng, chậm nhất đến ngày cuối cùng của tháng, đơn vị trích tiền đóng BHXH bắt buộc trên quỹ tiền lương tháng của những NLĐ tham gia BHXH bắt buộc, đồng thời trích từ tiền lương tháng đóng BHXH của từng NLĐ theo mức quy định, chuyển cùng một lúc vào tài khoản chuyên thu của cơ quan BHXH mở tại ngân hàng hoặc Kho bạc Nhà nước.

Theo đó, thời hạn nộp tiền BHXH hằng tháng chậm nhất là ngày cuối cùng của tháng. Tuy nhiên, nhiều đơn vị, người sử dụng lao động vẫn không đóng đúng thời gian quy định, dẫn đến tình trạng chậm đóng tiền BHXH, nhất là phải đóng thêm cả số tiền lãi tính trên số tiền BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN chưa đóng. 

Chậm đóng tiền BHXH là một trong những hành vi bị cấm. Đây là quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật BHXH năm 2014. Đồng thời, tại khoản 3 Điều 122 Luật BHXH năm 2014 cũng quy định về việc xử lý vi phạm đối với hành vi: Người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 17 của Luật này từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng.

Theo quy định trên, đơn vị, doanh nghiệp chậm đóng BHXH từ 30 ngày trở lên, doanh nghiệp không chỉ bị xử lý vi phạm mà còn phải nộp thêm số tiền lãi cho cơ quan BHXH. Đồng thời, sẽ bị xử lý hình sự theo Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ của Bộ luật Hình sự.

Điều 216 Bộ luật Hình sự quy định về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ nếu là cá nhân phạm tội thì bị phạt tiền thấp nhất 50 triệu đồng và cao nhất là 1 tỉ đồng; phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm; nếu là pháp nhân thương mại phạm tội thì bị phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 3 tỉ đồng.

Theo BHXH Việt Nam, trong năm 2022, số tiền các đơn vị chậm đóng BHXH từ 1-3 tháng là 220 tỉ đồng; số tiền các đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên là 8.888 tỉ đồng; số tiền các đơn vị khó thu (đơn vị phá sản, đơn vị giải thể, đơn vị ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, đơn vị chủ bỏ trốn) là 4.048 tỉ đồng.

Sau khi rà soát, đến nay BHXH đã thống kê được tổng số 29.533 đơn vị (với 206.468 lao động) đã phá sản, giải thể, ngừng hoạt động chậm đóng BHXH, BHTN với số tiền chậm đóng BHXH, BHTN là 3.215,041 tỉ đồng (trong đó số tiền chậm đóng là 2.294,721 tỉ đồng, lãi tính trên số tiền chậm đóng là 929,320 tỉ đồng). 

Đây là số tiền chậm đóng và lãi chậm đóng BHXH tồn tích hàng năm không có khả năng thu hồi được do đơn vị đã ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn hoặc đã và đang làm thủ tục giải thể, phá sản.

Với 206.468 lao động còn bị chậm đóng BHXH, BHTN tại 29.533 đơn vị đã giải thể, phá sản, ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ bỏ trốn thì có 2.429 NLĐ (chiếm 1,2%) đã được giải quyết chế độ hưu trí; có 514 NLĐ (0,2%) đã được giải quyết chế độ tử tuất; có 16.523 NLĐ (8%) được giải quyết chế độ BHXH một lần; có 30.133 NLĐ (14,6%) đã được xác nhận quá trình tham gia trên sổ BHXH để bảo lưu quá trình đóng. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn