MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Doanh nghiệp trẻ bị sốc vì nửa năm bị 1 hội đến vận động, xin tiền 4 lần

ĐÌNH TRỌNG LDO | 11/10/2022 20:42

Bình Dương - Tại Bình Dương, thời gian gần đây nhiều đơn vị, tổ chức xôn xao chuyện khi Hội truyền thống Trường sơn Đường Hồ Chí Minh Việt Nam tỉnh Bình Dương gửi công văn vận động mua vé xem ca nhạc. Thậm chí, có doanh nghiệp trẻ phản ánh chỉ trong nửa năm đã bị vận động, xin tiền tới 4 lần.

Chiều ngày 11.10, Báo Lao Động nhận được phản ánh của anh B.V.H  - Giám đốc Công ty TNHH A.M.P (sản xuất đồ may mặc, tại xã An Điền, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) về việc một hội thường xuyên đến vận động mua vé xem ca nhạc, xin tiền gây quỹ. 

Vào đầu giờ chiều có một nhóm 2 người khoảng 50 tuổi xưng là người trong Hội Truyền thống Trường Sơn Đường Hồ Chí Minh VN tỉnh Bình Dương. Hai người này cho biết đã thông qua chính quyền xã An Điền và gửi công văn về việc tổ chức chương trình ca múa nhạc. Rồi vận động, xin doanh nghiệp của anh B.V.H đóng góp tiền để có kinh phí tổ chức chương trình. Tiền đóng góp có thể đưa tiền mặt hoặc chuyển vào tài khoản. Tiền đóng góp sử dụng để tri ân liệt sĩ và cựu chiến binh khó khăn.

Hai người mang theo thư ngỏ đề nghị doanh nghiệp ủng hộ tiền để tổ chức chương trình.

Theo anh B.V.H, doanh nghiệp của anh mới hoạt động còn nhiều khó khăn. Từ tháng 4.2022 cho đến nay, Hội Truyền thống Trường Sơn Đường Hồ Chí Minh VN tỉnh Bình Dương đã 4 lần đến vận động, mua vé, xin tiền. Lần đầu tiên, anh có ủng hộ tiền, được người của Hội ghi vào sổ và phát 2 tấm vé nghe ca nhạc ở thành phố Thủ Dầu Một nhưng anh B.V.H không đi. Các lần sau do đang lo đơn hàng khó khăn nên anh B.V.H không đóng góp.

"Mở doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn, chúng tôi lo đơn hàng công việc cho công nhân rất vất vả. Tôi thấy họ đến liên tục nhiều lần rất phiền phức và bức xúc. Hơn nữa người đi vận động lại cung cấp số tài khoản cá nhân nên nghi ngờ sự trong sáng của người này. Họ có nhắc đến cựu chiến binh, không biết có phải mạo danh không?"- anh B.V.H cho biết.

Trước đó, các trường đại học và một số đơn vị tại thành phố Thủ Dầu Một cũng phản ánh bị gây phiền vì đơn vị này nhiều lần đến vận động mua vé xem ca nhạc và xin tiền để tổ chức sự kiện, ngôn ngữ thiếu lịch sự. 

Các cựu chiến binh ở Bình Dương cũng không đồng ý, nhiều lần đã lên tiếng nhắc nhở đề nghị dừng lại. Theo các cựu chiến binh, hội viên khó khăn thì các thành viên cũng đã tìm cách hỗ trợ, không cần phải đi vận động gây phiền hà cho doanh nghiệp như thế.

Theo ông Trần Hữu Tài - Chủ tịch ​Hội Cựu Chiến binh tỉnh Bình Dương, Hội trên hoạt động độc lập, ​Hội Cựu Chiến binh tỉnh Bình Dương không thành lập và không được giao quản lý. Việc xin tiền doanh nghiệp thì ông Tài cảm thấy như thế là không nên.

Ông Lê Văn Hòa - Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn Đường Hồ Chí Minh VN tỉnh Bình Dương, xác nhận việc Hội có bộ phận đi vận động yêu cầu các doanh nghiệp, đơn vị có lòng hảo tâm giúp đỡ thì gửi tiền vào số tài khoản Hội. Bộ phận có đến báo chính quyền địa phương và tới doanh nghiệp, người ta đồng ý thì giúp đỡ. Việc này làm tri ân, tiền vận động để giúp đỡ các trường hợp đặc biệt khó khăn.

Về việc Hội đến 1 doanh nghiệp tới 4 lần trong nửa năm, ông Hòa cho biết, tiếp nhận thông tin này và sẽ nhắc nhở lại bộ phận đi vận động, vì  hội không yêu cầu họ phải đến nhiều như thế. 

Về việc đề nghị doanh nghiệp chuyển tiền vào số tài khoản của cá nhân, ông Hòa cho biết là sai quy định vì Hội có tài khoản.

Địa phương không giới thiệu đến doanh nghiệp

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo thị xã Bến Cát xác nhận hai người này có đến chính quyền xã An Điền và đưa ra các văn bản liên quan. Tuy nhiên, chính quyền xã không có văn bản giới thiệu 2 người đến vận động xin tiền doanh nghiệp. "Địa phương không giới thiệu đến gặp doanh nghiệp. Làm vậy làm phiền doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ thông tin nhanh đến các phường xã về việc này. Đồng thời, thông tin đến cấp tỉnh để có chỉ đạo chung chấn chỉnh sự việc"- lãnh đạo thị xã Bến Cát nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn