MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toàn cảnh hội thảo diễn ra sáng 16.4. Ảnh: Vân Trường

Doanh thu 18.000 tỉ đồng, Bắc Giang "khát" lao động ngành công nghiệp bán dẫn

Trần Tuấn LDO | 16/04/2024 16:12

Doanh thu từ 3 doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn trên địa bàn Bắc Giang năm 2023 là gần 18.000 tỉ đồng. Địa phương đang tìm cách nâng cao cả về số lượng và chất lượng lao động cho ngành này.

Cần tuyển hơn 8.000 lao động ngành bán dẫn đến năm 2030

Sáng 16.4, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội thảo: Thực trạng, giải pháp phát triển nguồn lao động trong ngành công nghiệp bán dẫn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Xuân Ngọc, Phó trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang cho biết, tính đến nay, tại các KCN của tỉnh Bắc Giang có 3 doanh nghiệp có ngành nghề sản xuất về chất bán dẫn.

Một là, Công ty TNHH Hana Micron Vina, KCN Vân Trung (thị xã Việt Yên) có tổng vốn đăng ký đầu tư là 643 triệu USD. Tổng doanh thu từ sản xuất kinh doanh năm 2023 đạt 6.326 tỉ đồng.

Hai là, Công ty TNHH Si Flex Việt Nam, KCN Quang Châu (thị xã Việt Yên), có tổng vốn đăng ký đầu tư là 299 triệu USD. Tổng doanh thu từ sản xuất kinh doanh năm 2023 đạt 11.602 tỉ đồng.

Ba là, Công ty TNHH Synergie Cad Việt Nam, KCN Vân Trung (thị xã Việt Yên), có tổng vốn đăng ký đầu tư dự án 21,2 triệu USD. Tổng doanh thu từ sản xuất kinh doanh năm 2023 đạt 31,62 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Xuân Ngọc - Phó trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Vân Trường

Ông Ngọc cho biết, tổng số lao động làm việc trong các doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn trên địa bàn tỉnh Bắc Giang hiện nay là 8.074 người.

Do công nghiệp bán dẫn là ngành sản xuất mới tại Việt Nam nên nguồn lao động được đào tạo chính về chuyên ngành công nghiệp bán dẫn hạn chế, chủ yếu là từ các ngành học có liên quan.

"Lao động Việt Nam được doanh nghiệp tuyển vào để đảm nhiệm các vị trí kỹ thuật, sản xuất về công nghiệp bán dẫn đều chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn đặt ra của doanh nghiệp, nên doanh nghiệp đều phải đào tạo lao động từ đầu để nắm được thao tác và quy trình thực hiện công việc", Phó trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang nói.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Ngọc, năm 2024, các doanh nghiệp ngành bán dẫn ở Bắc Giang có nhu cầu tuyển thêm 1.866 lao động, giai đoạn 2025 - 2030 là 6.300 lao động.

Nhằm giải quyết nhu cầu về nguồn lao động ngành bán dẫn, đại diện Ban quản lý các KCN tỉnh Bắc Giang đề xuất một số định hướng trong phối hợp, hỗ trợ các trường Đại học, Cao đẳng trong liên kết đào tạo với doanh nghiệp trong các KCN.

Địa phương cần có chính sách đặc thù thu hút nhân sự có trình độ cao

Cùng phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Trương Việt Anh - Trưởng ban khoa học công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho biết, với mục tiêu 50.000 nhân lực ngành công nghiệp vi mạch và bán dẫn đến năm 2030 của Chính phủ thì các cơ sở đào tạo cần hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực cho ngành này.

Các địa phương cũng cần có chính sách đặc thù thu hút nhân sự có trình độ cao.

PGS.TS Trương Việt Anh tại hội thảo. Ảnh: Vân Trường

TS Võ Xuân Hoài - Phó Giám đốc Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia - đánh giá, ở Việt Nam, ngành bán dẫn mới nên chương trình đào tạo hiện nay chưa nhất quán, chưa chuẩn quốc tế. Vì vậy, cần tăng cường hợp tác quốc tế và chuẩn hóa quy trình đào tạo.

Trước đó, phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn đã trình bày bài phát biểu do Chat GPT soạn ra chỉ trong vòng 41 giây, với kết quả khá đầy đủ.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Vân Trường

"Không có ai có thể viết xong một bài phát biểu như vậy trong vòng 2-3 phút. Điều đó cho thấy sức mạnh của ngành công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo đang hàng ngày phát triển một cách mạnh mẽ và chúng ta phải tích cực, chủ động hơn nữa trong việc tham gia vào chuỗi giá trị này", Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn