MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chú bé thổi sáo cưỡi trâu vàng thu hút sự quan tâm của khách tham quan. Ảnh: Bích Hoài

Độc đáo gốm hình trâu mạ vàng dịp cận Tết Nguyên đán

LAN NHƯ - BÍCH HOÀI LDO | 09/01/2021 08:00

Năm 2021, nhiều xưởng gốm tại làng Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) đã "tung ra" thị trường những mẫu gốm hình con trâu mạ vàng độc đáo cho dịp Tết Nguyên đán.

Trâu “vàng” hút khách

Từ những ngày đầu tháng 1, nhiều cơ sở gốm ở làng Bát Tràng đã tất bật sản xuất những sản phẩm độc lạ phục vụ người dân dịp Tết đến Xuân về. Đến hẹn lại lên, nhiều cửa hàng bắt đầu cho ra lò các sản phẩm hình con giáp đại diện của từng năm.

Với ý nghĩa mang lại bình an, may mắn và tài lộc cho năm mới, các sản phẩm trâu gốm đang được tìm mua rất nhiều. Những chú trâu được chạm khắc hoa văn tỉ mỉ được ưa chuộng. Những ngày này làng Bát Tràng nhộn nhịp kẻ bán người mua.

Theo chị Nguyễn Minh - chủ một lò gốm lâu năm ở Giang Cao (Bát Tràng), để cho ra được một sản phẩm trâu vàng phải trải qua nhiều công đoạn. Từ khuấy bột, đổ khuôn, gọt tỉa, làm sạch, phơi nắng, dát vàng…

Người dân làng gốm Bát Tràng tất bật sản xuất để phục vụ thị trường. Ảnh: Lan Như

Trong đó, khó nhất để tạo ra thành phẩm đẹp mắt phải kể đến công đoạn tạo hình. Sau khi đổ khuôn người thợ phải lắc đều tay để nguyên liệu len vào từng khe hở trong khuôn tránh mất các chi tiết.

Các mẫu mã trâu vàng năm nay rất đa dạng, ngoài những con trâu truyền thống nghệ nhân làng cổ Bát Tràng còn sáng tạo thêm nhiều hình dáng khác nhau như: Trâu Nghênh Phúc, Trâu Kim Ngưu Đại Bảo, Trâu Đại Cát nhằm tăng sự lựa chọn cho người chơi, giúp khách mua hàng không cảm thấy nhàm chán.

Cầm trên tay chú trâu mạ vàng, bà Hằng chủ cửa hàng Hằng Hương chia sẻ: “Tính đến thời điểm này số lượng trâu vàng bán ra vẫn tăng đều, chỉ là không bằng năm trước vì tình hình kinh tế khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhìn chung các sản phẩm trâu “vàng” vẫn được cung ứng vào thị trường TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam”.

“Kỳ linh Tân Sửu” giá hàng chục triệu

Bên cạnh trâu “vàng” làm từ thạch cao phun sơn, sản phẩm trâu dát vàng – “Kỳ linh Tân Sửu” là sự kết hợp từ đôi tay khéo léo của nghệ nhân làng Bát Tràng cùng làng dát vàng nổi tiếng Kiêu Kỵ (Gia Lâm, Hà Nội).

Linh vật của năm nay – tượng trâu vàng được nhiều xưởng đưa vào sản xuất. Ảnh: Bích Hoài

Theo lời của nghệ nhân trực tiếp sáng chế ra những sản phẩm này, điều làm nên giá trị của “Kỳ linh” nằm ở nguyên liệu cao cấp và quy trình sản xuất kỳ công.

Được biết, ý tưởng của sản phẩm “Kỳ linh Tân Sửu” xuất phát từ những câu chuyện dân gian về loài trâu. Ở loài trâu, chúng ta thấy được đức tính cần cù, chăm chỉ và trung thành với chủ. Loài vật này gắn liền với ruộng đồng và cơ nghiệp của người nông dân, vì thế trâu vàng thể hiện cho đời sống sung túc, ấm no, tràn đầy vượng khí và chính khí.

“Kỳ linh” đang được bày bán ở Bát Tràng, trung bình mỗi sản phẩm có giá từ 3.500.000 đồng/con – 15.000.000 đồng/con tùy vào kích thước và hình dáng. Đặc biệt có những chú trâu dát vàng giá lên đến hàng trăm triệu đồng.

Không chỉ riêng các sản phẩm chuyên về Tết, làng Bát Tràng vẫn duy trì sản xuất lộc bình truyền thống để phục vụ cung – cầu dịp này.

Các sản phẩm truyền thống khác như: Lộc bình, tượng thần tài, ông địa... vẫn được duy trì sản xuất để cung ứng ra thị trường. Ảnh: Lan Như

Các mặt hàng của làng Bát Tràng có nét chạm khắc rất riêng mà không nơi nào có được. Đây chính là niềm tự hào của người dân Bát Tràng và là động lực để người nghệ nhân sáng tạo, cải tiến mẫu mã không ngừng nghỉ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn