MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sinh viên ĐH Harvard. Ảnh minh họa

Đọc “Harvard, bốn rưỡi sáng”, nghĩ về thói lười đọc của người trẻ

Thủy Lâm LDO | 09/12/2016 09:17
“Harvard, bốn rưỡi sáng” đang lan truyền trên mạng xã hội là một bài viết rất đáng đọc không chỉ cho tuổi học sinh mà cho tất cả mọi người. Hi vọng rằng, mỗi chúng ta, cho dù bận rộn đến đâu, thích “lướt” đến đâu, cũng hãy dành chút thời gian để đọc bài viết này. Có thể nhiều điều trong bài viết còn ở khoảng cách quá xa so với cuộc sống hiện tại của bạn nhưng chúng ta vẫn có thể chắt lọc trong bài viết những thông điệp có ý nghĩa cho riêng mình.

Bài viết “Harvard, bốn rưỡi sáng” đang lan truyền trên mạng xã hội là một bài viết rất đáng đọc không chỉ cho tuổi học sinh mà cho tất cả mọi người. Hi vọng rằng, mỗi chúng ta, cho dù bận rộn đến đâu, thích “lướt” đến đâu, cũng hãy dành chút thời gian để đọc bài viết này. Có thể nhiều điều trong bài viết còn ở khoảng cách quá xa so với cuộc sống hiện tại của bạn nhưng chúng ta vẫn có thể chắt lọc trong bài viết những thông điệp có ý nghĩa cho riêng mình.

Thông điệp đầu tiên và cũng là xuyên suốt bài viết đó là một quan niệm về học: Học chính là đọc. Thông điệp này không có gì mới đối với người học Việt Nam nhưng chúng ta ai cũng nhận thức được mà thực hiện còn rất hạn chế (người học hay người Việt Nam nói chung hiện nay rất lười đọc). Rất nhiều học sinh đi học nhưng lười đọc, thậm chí các em còn lười đọc ngay cả…sách giáo khoa. Nếu như mọi nơi ở Harvard đều được coi là thư viện: nhà ăn, bệnh viện, phòng học… thì ở nhiều vùng ở Việt Nam chúng ta, thư viện là nơi thiếu vắng bóng người nhất (thư viện trường học, thư viện Huyện, thư viện Tỉnh…). Vì thế, để phát triển giáo dục, trước hết phải thực hiện được thông điệp từ Harvard “Học chính là đọc”.

Một quan niệm học tập kiểu Mỹ, đó là “Ở Mỹ, cùng với tuổi tác, nhiệm vụ học tập ngày một lớn dần. Đến khi học đại học là khổ nhất, tất cả nền giáo dục phát triển đều phải chịu khổ. Trong khi những đứa trẻ Trung Quốc bước chân vào đại học lại buông thả học hành.

Chúng buông thả 4 năm trong khi ở Mỹ 4 năm ấy với sinh viên đại học là những năm tháng cần mẫn nhất, là 4 năm hoàng kim để tích lũy năng lượng…”. Quan niệm cùng với tuổi tác nhiệm vụ học tập càng lớn dần có hơi khác với chúng ta. Đại đa số người Việt Nam chạy theo bằng cấp nên họ bằng mọi cách để có được bằng cấp, khi có rồi thì coi như đã hoàn thành nhiệm vụ và khi ra đời, đi làm việc họ rất ít chịu học tập.

Bằng chứng là các lớp tập huấn, các lớp học nâng cao trình độ còn mang nặng hình thức chứ chưa chú ý đến chất lượng. Nguyên nhân chính cũng do tâm lí học xong rồi, hoàn thành rồi của mỗi người. Nếu có thể thay đổi quan niệm về học tập theo kiểu Mĩ, càng lớn tuổi càng cần phải học tập thì chắc chắn khả năng làm việc, sự sáng tạo, khả năng thích ứng với mới sẽ tốt hơn rất nhiều.

Một quan niệm mới về người thầy: “Ở Harvard không chỉ sinh viên mới chịu áp lực, giáo viên cũng tương tự. Mỗi lớp học của Harvard, yêu cầu những gì thầy giáo dạy đều phải mới. Nội dung giảng dạy mỗi năm đều phải có sự cập nhật, phát triển so với trước đó. Vì vậy, giảng viên Harvard chắc chắn phải có trình độ nghiên cứu khoa học. Harvard cho rằng, giáo sư trước hết phải là người học trò, mới có thể hứng thú đón nhận những thử thách và sự sáng tạo, hơn nữa còn phải có khả năng thuyết phục”. Người thầy giáo không những phải đạt yêu cầu về kiến thức: phải luôn cập nhật, phải mới mà còn thêm yêu cầu “trước hết phải là học trò”.

Chắc chắn chúng ta không thể so sánh một giáo sư của Harvard với người thầy ở Việt Nam, nhưng thông điệp đó cũng giúp chúng ta suy nghĩ thêm về vai trò của mình. Phải đặt mình vào vị trí của một học trò, giáo viên sẽ rút ngắn được khoảng cách về thế hệ, về văn hóa, về trình độ, về tính cách…để thấu hiểu nhiều hơn giúp cho hoạt động giáo dục diễn ra hiệu quả hơn.

Và trên hết bài viết chính là một thông điệp về ý chí và nghị lực của con người. Chúng ta thường nghĩ rằng, được vào Harvard chính là một quá trình nỗ lực phấn đấu kiên cường của một học sinh và giấc mơ đẹp nhất, đáng tự hào nhất đã được thực hiện. Trong mắt của nhiều người, một học sinh được vào Harvard như đã đạt được giấc mơ, được tới “thiên đàng”. Nhưng thực tế không phải như vậy, để tiếp tục tồn tại và thành công ở Harvard còn đòi hỏi sự nỗ lực kiên cường nhiều hơn nữa, thử thách ý chí và lòng quyết tâm của con người nhiều hơn nữa.

Sự cố gắng và nỗ lực của con người là không ngừng nghỉ “Trên đường đời, bất cứ khi nào bạn dừng bước không đi tiếp, cũng có người lại đang ra sức đuổi. Có lẽ khi bạn đứng lại, thì anh ta đang đuổi theo sau bạn, nhưng khi bạn nhìn lại, đã không thấy bóng dáng anh ta nữa rồi, bởi vì anh ta đã chạy lên phía trước bạn, bạn hãy không ngừng tiến lên, không ngừng chạy đua. Thành công và an nhàn không thể cùng tồn tại, bạn lựa chọn con đường thành công, bạn nhất định phải từ bỏ cái còn lại”.

Còn rất nhiều thông điệp mà bài viết “Harvard, bốn rưỡi sáng” có thể đem đến cho mỗi người đọc. Hi vọng rằng, những cảm nhận của tôi về bài viết sẽ giúp cho những người đọc còn thấy bài viết ở khoảng cách xa sẽ trở nên gần gũi và thiết thực. Hãy đọc  “Harvard, bốn rưỡi sáng” để tìm thấy những thông điệp có ý nghĩa cho riêng mình.


Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn