MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa (theo baonghean.vn)

Đôi điều trăn trở về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu

Phùng Văn Mùi LDO | 03/01/2017 08:55
Theo phương án dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2012, tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam và 58 tuổi đối với nữ, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn, trăn trở của người lao động về điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu.

Việc đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, theo tôi, chỉ có lao động khối hành chính sự nghiệp là đồng tình, nhất là những người có chức, có quyền... là không muốn nghỉ hưu. Còn những người lao động trực tiếp sản xuất, nhất là những ngành nghề độc hại, nặng nhọc hay lao động phổ thông họ muốn giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu như hiện nay là 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam.

Nếu điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu cần có lộ trình và phải xác định rõ danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại... cần có chế độ an dưỡng hàng năm để phục hồi sức lao động cho họ, tránh điều chỉnh chung sẽ khó thực hiện. Bởi thực tế cho thấy, tuy tuổi thọ người Việt Nam có tăng lên, nhưng sức khỏe còn kém. Chính vì những người lao động sức khỏe kém nên không ai muốn tăng tuổi nghỉ hưu.

Để phương án tăng tuổi nghỉ hưu có tính khả thi, nên cho người lao động lựa chọn, không bắt buộc. Cụ thể, tuổi hưu từ 60-62 đối với nam và 55-60 tuổi đối với nữ, trong thời gian đó xin nghỉ lúc nào cũng được, để người lao động có quyền lựa chọn, nghỉ cũng không trái luật, khuyến khích tăng tuổi nghỉ hưu.

Mặt khác, theo chúng tôi, cơ quan tham mưu cần xây dựng lộ trình hợp lý và phải phân loại rõ các đối tượng lao động: Đối với người lao động có trình độ sau đại học trở lên làm việc trong các ngành nghiên cứu khoa học - kỹ thuật, giáo dục, y tế... có thể tăng tuổi nghỉ hưu, tạo điều kiện để họ tiếp tục đóng góp kiến thức cho xã hội là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, cần mở rộng lấy ý kiến của người lao động để tạo được sự đồng thuận cao.

Một điều trăn trở nữa là: Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu sẽ tăng sức ép dư luận rất lớn, nhất là hiện nay có hàng trăm ngàn sinh viên có bằng cử nhân, đại học, thạc sỹ đang thất nghiệp. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu lên thêm 2-5 năm vô tình kéo dài thêm thời gian thất nghiệp của hàng trăm ngàn cử nhân, thạc sỹ. Do đó, người cầm cân nảy mực quyết định vấn đề này cần phải nhạy cảm với vấn đề mà người lao động quan tâm.

Vẫn biết rằng hiện nay quỹ bảo hiểm xã hội đang gặp khó khăn, nhưng có nhiều chính sách theo chúng tôi chưa hợp lý như: Đối với người năng lực yếu, trình độ không đáp ứng, không đủ thời gian làm việc trong một nhiệm kỳ cấp ủy được nghỉ việc trước tuổi, nhưng lại có chính sách khuyến khích về nghỉ và có chế độ trợ cấp kinh tế không nhỏ đang làm dư luận trăn trở. Nên chăng cần sớm loại bỏ chính sách này, trường hợp không đáp ứng cần bố trí công tác khác, nếu không cho nghỉ trước tuổi và trừ tỷ lệ phần trăm theo luật lao động quy định.

Khoan thư sức dân là kế sâu rễ, bền gốc mà lịch sử hàng ngàn năm, dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Người viết bài này xin mạo muội đề xuất góp ý và cũng đồng tình với đại đa số người lao động là không nên tăng tuổi nghỉ hưu...                                                                         

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn