MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đổi mới giáo dục là tất yếu nhưng phải trên cơ sở giá trị văn hóa Việt Nam. Ảnh: X.H

Đổi mới giáo dục không phải là sao chép, chắp vá

Xuân Hùng LDO | 23/10/2023 10:18

Đổi mới là yêu cầu tất yếu. Đổi mới là động lực và là phương thức của phát triển. Trong lĩnh vực nào cũng vậy, trong giáo dục càng rõ ràng như thế. Đổi mới trong giáo dục là nền tảng, là sự thể hiện của đổi mới tư duy về quan niệm sống, giá trị sống của mỗi quốc gia và thể hiện những bước ban đầu trên con đường hướng đến những giá trị đó.

Còn nhiều ý kiến khác nhau bàn về việc chúng ta có triết lý giáo dục hay không. Tuy nhiên, một cách tổng quát, nền giáo dục Việt Nam dù chịu nhiều tác động của yếu tố bên ngoài vẫn luôn khẳng định được tinh thần, cốt cách con người Việt và luôn có sự học hỏi, tiếp biến, dung hòa, áp dụng những yếu tố tích cực của những nền giáo dục tiên tiến. Bản thân sự tiếp nhận một cách sáng tạo, phù hợp với điều kiện cụ thể đó đã là một sự đổi mới.

Giáo dục theo hình thức khoa cử phong kiến chịu ảnh hưởng lớn từ triết lý giáo dục Nho giáo Trung Quốc đã để lại nhiều thành quả quan trọng. Dù nhìn lại, chúng ta thấy có những điểm hạn chế, có sự bảo thủ, rập khuôn, giáo điều nhưng những giá trị mà nền giáo dục này để lại là rất lớn. Kho tàng tri thức lớn lao cha ông để lại đã minh chứng điều đó. Những giá trị sống đầy nhân văn, nghĩa tình và tinh thần hiếu học ngày hôm nay đã minh chứng điều đó.

Thời thuộc Pháp, bỏ qua sự tàn bạo của súng đạn thì nền giáo dục phương Tây đã đem lại cho chúng ta không ít giá trị của sự đổi mới. Thông qua nền giáo dục này mà nhiều tri thức người Việt đã nhìn thấy một thế giới mới rộng lớn hơn, giá trị hơn. Một tầng lớp trí thức tiểu tư sản đã ra đời và có đóng góp quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.

Tiếp đến, chúng ta có sự ảnh hưởng quan trọng của nền giáo dục Liên Xô từ nội dung đến phương pháp. Khỏi phải bàn cãi những giá trị lớn lao mà nền giáo dục theo kiểu Liên Xô đã mang lại. Nền giáo dục này đã đào tạo một lực lượng trí thức đông đảo với nhiều nhân vật kiệt xuất, trong đó có những người tạo ra nền tảng của học thuật nước nhà, những "kiến trúc sư" xây dựng hệ thống giáo dục nhiều năm qua. Những giá trị này chính là sức mạnh để chúng ta chiến đấu, chiến thắng kẻ thù xâm lược và xây dựng đất nước hiện đại, phát triển ngày nay.

Như vậy, yêu cầu đổi mới là không ngừng, mỗi hệ thống giáo dục đều có giá trị tốt đẹp của nó và rõ ràng các thế hệ cha ông đã làm rất tốt. Ngày nay, trước yêu cầu của thời đại mới, thời đại của tiến bộ khoa học kỹ thuật, thời đại của thế giới phẳng, thời đại mà ở đó đất nước và con người Việt Nam đã sẵn sàng sánh vai với các cường quốc năm châu thì yêu cầu đổi mới theo hướng hiện đại, cung cấp phương pháp để người học tiếp cận tri thức một cách chủ động là tất yếu.

Tuy nhiên, dù sao, dù là học hỏi, tiếp biến những giá trị của nền giáo dục tiên tiến trên thế giới để xây dựng hệ thống giáo dục hiện đại cũng rất cần những nhà giáo dục, những "kiến trúc sư" có tài và có tầm.

Đổi mới, học hỏi không có nghĩa chắp vá, bị động, sao chép và thiếu một triết lý giáo dục dù là triết lý trên nền học hỏi. Muốn đổi mới giáo dục một cách mạnh mẽ rất cần một chiến lược cụ thể, một kịch bản thực hiện khoa học với những giai đoạn rõ ràng chứ không phải học được cái gì là lắp vào cái đó; vội vàng, bị động dẫn đến những sai sót đáng tiếc, thậm trí rất ấu trĩ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn