MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trạm thu phí Cầu Rác dừng hoạt động đã 2 năm, trở thành chướng ngại vật nên đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông. Ảnh: Trần Tuấn

Dọn trạm thu phí BOT Cầu Rác, dọn luôn “rác” tư duy

LAM CHI LDO | 09/07/2021 08:29
Tháng 5.2021, Báo Lao Động “đưa ra ánh sáng” dự án xin cấp 3,3 tỉ đồng từ ngân sách để dọn dẹp Trạm thu phí Cầu Rác, với lập luận của đơn vị xin tiền rằng đó là số tiền hợp lý, đã tính toán rất kỹ. Nhưng sau đó, cơ quan quản lý ngân sách thuộc Bộ Giao thông Vận tải chỉ duyệt chi dưới 500 triệu đồng cho việc dọn trạm thu phí này.

Sau khi báo chí và dư luận bất bình, bức xúc vì dự án xin ngân sách 3,3 tỉ đồng để dọn dẹp Trạm thu phí BOT của Công ty TNHH MTV Hạ tầng Sông Đà (Tổng Công ty Sông Đà) trên quốc lộ 1A, đặt tại xã Cẩm Trung (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) thì mới đây, nguồn tin từ Báo Lao Động chiều muộn 8.7 cho hay, cơ quan quản lý ngân sách thuộc Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chỉ duyệt chi dưới 500 triệu đồng cho việc dọn trạm thu phí này. Xin bày tỏ niềm vui trước quyết định rất “xót tiền dân” này.

Nhưng, cũng phải nói thêm rằng, về nguyên tắc, đây là trạm thu phí BOT của doanh nghiệp, mà doanh nghiệp thì kinh doanh, họ phải dùng lợi nhuận hoặc tiền của họ để tháo dỡ trạm thu phí, chứ không thể dùng ngân sách, dù chỉ… 1 đồng.

Trạm thu phí BOT này có tên là Cầu Rác. Nó được đặt cách xa đoạn đường BOT dài 16km có tên là đường tránh Thành phố Hà Tĩnh tới… 30km.

Từ khi đi vào hoạt động thu phí (tháng 1.2009), người dân hai huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã nhiều lần phản đối, bức xúc vì họ không sử dụng một mét nào trên con đường tránh BOT cả mà hàng ngày phải đi làm đồng, đi lên thành phố ký tá giấy tờ, khám bệnh… đều phải mua vé cho 16km đường BOT.

Người dân hai huyện nói trên cũng phải đợi đến 10 năm sau mới được giải tỏa bức xúc: Đầu năm 2019, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu chủ đầu tư Trạm thu phí BOT Cầu Rác tạm dừng hoạt động. Và từ đó đến nay, trạm thu phí này trở thành “rác” trên quốc lộ 1A. Nó đã trực tiếp, gián tiếp gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông, ách tắc giao thông trên “huyết mạch giao thông của quốc gia”. Tháng 5.2021, Báo Lao Động “đưa ra ánh sáng” dự án xin cấp 3,3 tỉ đồng từ ngân sách để dọn dẹp Trạm thu phí Cầu Rác, với lập luận của đơn vị xin tiền rằng đó là số tiền hợp lý, đã tính toán rất kỹ…

Từ vụ Trạm thu phí Cầu Rác cho thấy tư duy, lối làm ăn bất chấp, coi thường người dân (đặt trạm thu phí không trên đoạn đường BOT), coi “miếng bánh ngân sách” là của chùa, vô tận (vẽ ra dự án rất nhiều tiền, dùng ngân sách làm thay việc của doanh nghiệp…) vẫn tiếp tục có đất sống. Trong bối cảnh toàn đất nước đang cùng nhau đẩy mạnh lao động, sản xuất gắn với tiết kiệm tối đa nguồn lực ngân sách thì những lối tư duy như vậy rất cần phải được… dọn dẹp một cách nghiêm minh, triệt để.

Để không tiếp tục xảy ra những phiên bản “Cầu Rác”, tốn tiền ngân sách đi dọn rác cho “người đi buôn” trong tương lai thì ngay từ bây giờ phải ngăn chặn, xử lý từ gốc đối với “rác” trong tư duy.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn