MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Đóng 35 năm bảo hiểm xã hội, nghỉ việc nhưng phải chờ 7 năm có lương hưu

Bảo Hân LDO | 15/03/2023 13:00
Dù đã có thời gian đóng bảo hiểm xã hội 35 năm, nhưng do chưa đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định, người lao động chấm dứt hợp đồng lao động vẫn phải chờ nhiều năm mới có thể được nhận lương hưu. 

Phản ánh đến Báo Lao Động, ông Trương Văn D (trú tại một tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long) cho biết, trước đây ông là trưởng phòng của Sở Y tế. Đến năm 2019, ông chuyển sang làm ở bệnh viện đa khoa tỉnh. Thu nhập tại nơi làm việc này khá ổn định, đảm bảo cuộc sống. Nhưng đến tháng 6.2022, ông xin chấm dứt hợp đồng lao động.  

Thời điểm ông D nghỉ việc, mới 55 tuổi, chưa đủ tuổi nghỉ hưu. 

Lý giải về nguyên nhân xin nghỉ sớm khi chưa đến tuổi về hưu, ông D cho hay, ở độ tuổi trên, ông cảm thấy sức khoẻ không còn tốt, trí nhớ không còn đảm bảo. Hơn nữa, ông mới có cháu nội, nên nếu nghỉ làm, ông sẽ có thời gian chăm cháu nhiều hơn.   

“Tổng cộng, tôi có 32 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Để đủ 35 năm đóng bảo hiểm xã hội, được hưởng 75% lương hưu, tôi đã đóng thêm bảo hiểm xã hội tự nguyện với tổng số tiền 70 triệu đồng” - ông D cho hay.  

Tuy rất muốn được hưởng lương hưu ngay, nhưng theo quy định, ông D phải chờ 7 năm nữa mới được nhận quyền lợi này.  

Theo phụ lục lộ trình tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường gắn với tháng, năm sinh tương ứng (Ban hành kèm theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18.11.2020 của Chính phủ), người sinh năm 1968 như ông D sẽ về hưu khi 62 tuổi. 

“Như vậy, mặc dù đã có 35 năm đóng bảo hiểm xã hội, nhưng tôi chưa được hưởng lương hưu ngay mà phải đợi 7 năm nữa, như vậy rất thiệt thòi cho những người đã làm việc nhiều năm, có nhiều năm đóng bảo hiểm xã hội như tôi” - ông D nói. Trong khoảng thời gian rất dài đó, có thể có nhiều chuyện xảy ra, nên ông D khá lo lắng.  

Hiện nay, sổ bảo hiểm xã hội của ông D đang “treo” để chờ đến lúc đủ tuổi nghỉ hưu. Ông D đang kinh doanh để có thu nhập đảm bảo cho cuộc sống. Ông D rất mong có một khoản lương hưu để ông đỡ vất vả mưu sinh khi đã có tuổi.  

Theo ông D, đối với những người lao động làm trong môi trường học thuật, nghiên cứu thì có thể tuổi nghỉ hưu cao hơn, còn đối với những người làm việc trong môi trường nhiều áp lực như ngành y, môi trường yếu tố độc hại thì tuổi nghỉ hưu như vậy là cao.  

“Tôi đề nghị tuổi nghỉ hưu giảm so với quy định hiện nay, cụ thể: Lao động nữ là 58 tuổi về hưu, nam 60 tuổi về hưu (trong điều kiện lao động bình thường) là phù hợp” - ông D cho biết.  

Theo Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, tuổi nghỉ hưu của người lao động được quy định như sau:

- Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.

- Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.

- Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại Khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn