Mua một bó mận rừng. Người bán dặn đi dặn lại cho thêm viên B1 vào nước. Những cành khẳng khiu, khô như củi được cắm vào chiếc bình gốm vạn hoa. Và, chờ đợi. 5 ngày trôi qua, vẫn chỉ là cành, không có dấu hiệu của hoa hay lộc. Lại chờ đợi.
Thêm 5 ngày đi công tác, về mở cửa nhà, thấy một góc sáng trắng. Như phép màu, tất cả những cành khô giờ phủ một màu trắng tinh khiết của những cánh hoa nhỏ. Hoa chi chít. Thêm một ngày, mầm lá bật khắp nơi. Màu trắng của hoa, xanh của lá, nâu của cành như treo lơ lửng phía trên chiếc bình gốm vạn hoa, tạo nên một bản hoà ca.
Năm nay hơi lạ, những cành mận rừng về phố từ đầu tháng 11, khi mùa Đông vẫn rong chơi tận đâu đó. Bạn cũng mua một bó mận, cắm đến ngày thứ 4 thấy cành vẫn khô thì gọi điện cho người bán… bắt đền. Người bán thuyết phục chờ thêm mấy hôm nữa. Bạn không tin, gọi điện cho những ai đã chơi hoa mận rừng trước đó. Câu trả lời nhận được đều là “kiên nhẫn chờ”.
Sáng sớm ngày cuối tuần, khi quạt trong nhà vẫn phải để ở số 1 để xua đi cái oi bức, bạn gọi điện, như hét lên trong điện thoại “hoa mận nở rồi, trắng muốt từ dưới cho đến ngọn của cành”. Không chúc mừng bạn, chỉ bảo “phần thưởng cho sự kiên trì chờ đợi”…
Trong nỗi khắc khoải chờ mùa Đông đến để nhanh được gặp mùa Xuân, tìm đường lên miền sơn cước với hy vọng tìm được cảm giác co ro trong vài lớp áo. Ở lưng chừng núi, gặp một cậu bé tranh thủ 2 ngày cuối tuần được nghỉ học đi gùi đồ lên núi cho khách du lịch. Ngoài việc gùi đồ cậu còn đảm nhận nấu các bữa ăn khi khách có nhu cầu. Cậu vần nồi cơm to gần gấp đôi người cậu trên bếp củi một cách nhẹ nhàng. Cậu thái nguyên rổ thịt lợn vừa luộc thành từng lát mỏng dính như tờ giấy…
Tiền kiếm được từ tất cả những việc đó cậu chia làm hai, một phần đưa bố mẹ, một phần để dành đóng học phí dần dần và cho các em. Bây giờ, ước mơ lớn nhất của cậu là học lên cao, sau đó tìm việc làm có thu nhập giúp gia đình và giúp bản thân bớt nghèo.
Cậu kể mỗi khi Tết đến bản cậu rất đẹp. Những cây đào trước cổng mỗi ngôi nhà có bờ tường bằng đá đua nhau nở hoa. Cậu bảo năm nay mùa Đông đến muộn nhưng chắc hoa đào vẫn nở kịp Tết vì Xuân về sớm.
Trước lúc chia tay, cậu ngập ngừng hỏi số điện thoại rồi e dè nói: Khi nào học lên cao, có việc làm, có tiền, em về Hà Nội, dẫn em đi chơi được không? “Được chứ, bất kỳ lúc nào em về Hà Nội cũng sẽ có người đưa em thăm phố, phường, dù lúc đó em có việc làm hay chưa”.
Xuân về sớm. Giờ này, chắc cậu bé đang ngắm những cánh đào rừng nở bung trước nhà. Song cũng có thể cậu bé đang gùi đồ cho nhóm khách nào đó để kiếm thêm tiền cho ngày tháng tiếp theo, để tiếp tục nuôi ước mơ – một ước mơ sẽ sớm thành hiện thực vì được cậu nuôi dưỡng từng ngày, trong mỗi chuyến gùi đồ lên núi.