MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều lao động đồng tình với đề xuất hưởng trợ cấp hưu trí khi chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội. Ảnh minh hoạ: Hải Nguyễn.

Đồng tình với đề xuất hưởng trợ cấp hưu trí khi chưa đủ 15 năm đóng BHXH

Mạnh Cường LDO | 04/10/2023 07:19

Theo ghi nhận của PV, nhiều người lao động sắp đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa tham gia đủ số năm bảo hiểm xã hội sẽ để dành hưởng hưởng trợ cấp hưu trí xã hội nếu có mức hưởng và chính sách phù hợp.

Tại Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mới nhất tháng 9, Ban soạn thảo đề xuất chế độ những người đã đến tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội) và cũng chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi), nếu có nguyện vọng thì sẽ được hưởng trợ cấp hằng tháng trong khoảng thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.

Theo ghi nhận, nhiều người lao động sắp đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa tham gia đủ số năm bảo hiểm xã hội cho biết sẽ để dành hưởng hưởng trợ cấp hưu trí xã hội nếu có mức hưởng và chính sách phù hợp.

Ước mơ đi làm, tiếp tục bảo hiểm xã hội của bà Nguyễn Thị Phương (54 tuổi, Nam Định) đã trở thành hiện thực. Bởi con gái đã mở công ty may ở nhà, tuyển mẹ vào làm việc ở bộ phận đóng gói, ít ảnh hưởng đến sức khỏe. Như vậy, đến nay, bà Phương đã đóng được tổng cộng 13 năm bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Chia sẻ về đề xuất không rút bảo hiểm xã hội một lần để lại hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, bà Phương mong muốn ít nhất phải nhận được 2 triệu đồng/tháng. Nếu không được mức này, bà Phương sẽ cố gắng làm đến khi không thể hoặc đóng thêm bảo hiểm xã hội tự nguyện để hưởng lương hưu.

Theo tính toán của bà Phương, nếu bây giờ rút bảo hiểm xã hội một lần cũng đã 100 triệu đồng. Tiền gửi lãi ngân hàng được 700.000 đồng/tháng trong khi đó vẫn còn gốc để dành. Để hưởng trợ cấp xã hội cần phải gấp đôi số tiền trên bởi nếu để lại thì coi như người lao động đã mất gốc.

Bà Phương lý giả, ông nhà làm tự do nên không có lương hưu. Dù biết rằng ở quê mọi thứ rẻ hơn thành phố, trồng được rau, nuôi được gà nhưng vẫn phải đảm bảo mức sống cơ bản và không lo phiền muộn con cái.

“Hai người ít cũng phải ít 2 triệu đồng mới đủ sống. Giờ cái gì cũng đắt đỏ, ra chợ nhoằng cái hết 200.000 đồng. Già rồi, phải giữ sức khỏe, ăn uống không đủ ngon thì cũng phải đủ chất chứ không thể kham khổ mãi được” - bà Phương nói.

Lý giải thêm, bà Phương khẳng định mức hưởng này dành dành cho 2 người còn thấp hơn mức chuẩn hộ nghèo hiện nay. Theo bà Phương, chuẩn hộ nghèo nơi bà sinh sống quy định 1 người có thu nhập tối thiểu 1,5 triệu đồng/tháng.

14 năm đóng bảo hiểm xã hội, ông Nguyễn Văn Quy (51 tuổi, Thái Bình) cũng nhẩm tính được 132 triệu đồng nếu rút một lần. Dự định ban đầu của ông dùng tiền gửi tiết kiệm để lấy lãi khoảng 800.000 đồng để chi tiêu hàng tháng.

Với đề xuất cứ 5 năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được hưởng tối thiểu 500.000 đồng, ông đã rất vui mừng. “Vậy là được 1,5 triệu đồng/tháng, hơn gửi ngân hàng" - ông Quy nói.

Tuy nhiên, ông Quy hy vọng Nhà nước giữ nguyên khoản tiền bảo hiểm xã hội 14 năm cho người lao động. Bởi đây là tài sản họ đã tích lũy trong rất nhiều năm làm việc, coi như khoản vốn lúc về già.

“Với mức hưởng như trên đề xuất, khi đủ 75 tuổi tôi muốn được nhận lại số tiền đã đóng để lo cho các bất trắc. Tuổi già, ai chẳng bị bệnh tật có đồng vốn tích lũy cũng đỡ lo hơn hẳn” - ông Quy cho hay.

Theo ông Quy, nếu các nguyện vọng này được thông qua, ông sẽ để lại đến khi đủ tuổi hưởng, không rút bảo hiểm xã hội một lần.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn