MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án BOT Quốc lộ 26 nối Khánh Hòa và Đắk Lắk thường xuyên bị người dân phản đối. Ảnh: Thu Cúc

Dự án BOT Quốc lộ 26 ngay từ đầu đã lộ diện bất cập

Hữu Long LDO | 29/01/2023 14:40

Dự án BOT Quốc lộ 26 (QL26) nối Khánh Hòa và Đắk Lắk vấp phải phản ứng của người dân và tài xế về những bất cập trong việc đặt trạm thu phí. Dự án này tiếp tục đứng trước nguy cơ ế ẩm khi tuyến cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đi vào hoạt động.

Người dân phản ứng cách đặt trạm thu phí

Dự án BOT Quốc lộ 26 này được Bộ GTVT chấp thuận đưa vào khai thác sử dụng từ tháng 7.2017. Theo Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng 501 - chủ đầu tư, tổng mức đầu tư của Dự án BOT Quốc lộ 26 là 814 tỉ đồng với chiều dài tuyến đầu tư xây dựng khoảng 48km (18,5km qua Khánh Hòa và 29,5km qua Đắk Lắk).

Tuy nhiên, khi chủ đầu tư thông báo thu phí đã vấp phải sự phản đối từ người dân. Người dân cho rằng, chủ đầu tư chỉ cải tạo, xây dựng chưa đầy 18km trên gần 150km của Quốc lộ 26, nhưng đã lập BOT thu phí là điều chưa hợp lý.

Chưa hết, Trạm BOT Ninh Xuân (Quốc lộ 26) chỉ cách BOT Ninh Lộc (Quốc lộ 1A) 14km. Nhiều tài xế phản đối bởi tại thị xã Ninh Hòa lại xuất hiện 2 trạm BOT với khoảng cách như trên là quá ngắn…

Trạm BOT Ninh Xuân (Quốc lộ 26) chỉ cách BOT Ninh Lộc (Quốc lộ 1A) 14km. Ảnh: Thu Cúc

Để người dân đồng thuận, Bộ GTVT sau đó đã phê duyệt đầu tư bổ sung dự án thêm 28km, nâng tổng chiều dài đoạn đường cải tạo lên gần 48km.

Mãi đến cuối năm 2019, Bộ Giao thông Vận tải mới đồng ý chủ trương để nhà đầu tư tiến hành thu phí BOT Quốc lộ 26 với thời hạn hơn 23 năm.

Tuy đi vào hoạt động thu phí nhưng doanh số của trạm BOT Quốc lộ 26 khá èo uột. Theo báo cáo của Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng 501, đến tháng 5.2022 có 95.870 lượt xe, đến tháng 11.2022 lưu lượng đã giảm xuống còn 76.408 lượt xe, làm doanh thu tại trạm Ninh Xuân giảm sút.

Chưa có lời giải cho BOT Quốc lộ 26

Mới đây, ngày 12.1, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có báo cáo gửi Thủ tướng xem xét phương án xử lý dự án BOT QL26. Trong báo cáo, tỉnh Khánh Hòa chỉ ra những bất cập trong quá trình hoạt động của trạm BOT này.

Không những doanh thu èo uột, trạm BOT Quốc lộ 26 còn đối diện với nguy cơ ế ẩm khi tuyến cao cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột dự kiến thi công và hoàn thành trước khoảng năm 2030.

Người dân dừng xe tại BOT Quốc lộ 26 đoạn qua tỉnh Đắk Lắk vì phản đối cách thu phí. Ảnh: Thu Cúc

Khi cao tốc nối Khánh Hòa và Đắk Lắk hoàn thành, chắc chắn Quốc lộ 26 chỉ đáp ứng nhu cầu kết nối các huyện, thị dọc theo tuyến nên lưu lượng và doanh thu dự kiến sẽ bị ảnh hưởng, tác động lớn đến phương án tài chính và khả năng hoàn vốn cho dự án BOT Quốc lộ 26.

Từ những thực tế nêu trên, tỉnh Khánh Hòa đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét đưa dự án BOT Quốc lộ 26 vào danh mục các dự án BOT trình Quốc hội thông qua các giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT do Bộ GTVT quản lý.

Sở dĩ tỉnh Khánh Hòa đề xuất Trung ương tháo gỡ các khó khăn bởi BOT Quốc lộ 26 không nằm trong danh sách mà Chính phủ trình Quốc hội (cuối năm 2022), đề xuất sử dụng ngân sách nhà nước thanh toán lại cho chủ đầu tư xây dựng các dự án BOT…

Nhiều người dân nhận định việc xây dựng, nâng cấp Quốc lộ 26 nối Khánh Hòa, Đắk Lắk là phù hợp tức thời trong bối cảnh giao thương giữa các địa phương tăng cao. Tuy nhiên, việc giao thương này cũng chỉ giải quyết được bài toán ngắn hạn bởi quãng thời gian di chuyển bằng ô tô từ TP Nha Trang lên TP.Buôn Ma Thuột và ngược lại còn khá lớn, từ 3-4 tiếng đồng hồ. 

Để nối trục hành lang Đông - Tây từ Khánh Hòa đến Đắk Lắk, rút ngắn thời gian di chuyển, không thể không tính đến phương án xây cao tốc. Đây mới là tầm nhìn dài hạn và nếu cao tốc đi vào hoạt động, Dự án BOT Quốc lộ 26 dĩ nhiên sẽ không phù hợp trong bối cảnh mới.

Trở lại câu chuyện quản lý tại tỉnh Khánh Hòa, đến nay, địa phương này không ít lần xin ý kiến Trung ương tháo gỡ những khó khăn tại dự án BOT Quốc lộ 26. Tuy vậy, số phận của trạm thu phí này vẫn chưa có câu trả lời cuối cùng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn