MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu tái định cư "ba không" của dự án đê trăm tỉ không thể xây nhà, bà Thông đành dựng lán tôn sau nhà cho con trai cả và cháu nội ở tạm. Ảnh: Tô Công.

Dự án đê trăm tỉ làm khổ dân: Mẹ già dựng lán tôn cho con ở tạm

Tô Công LDO | 03/12/2022 15:24
Phú Thọ - Không thể xây nhà trên khu tái định cư của dự án đê trăm tỉ, một hộ gia đình phải dựng lán tôn cho con ở tạm.

Khốn khó bủa vây chốn quê nghèo vì "đại dự án"

Báo Lao Động đã có loạt bài phản ánh về Dự án nâng cấp đê tả, đê hữu Ngòi Cỏ, làm đường sơ tán dân huyện Cẩm Khê dừng thi công từ năm 2017, nay xuống cấp nghiêm trọng ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. 

Không những vậy, quá trình thu thập tài liệu phục vụ loạt bài, PV ghi nhận, cuộc sống 8 hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng (bị mất nhà và đất ở) phục vụ dự án này là vô cùng khó khăn, dù được bố trí một nơi được cho là khu tái định cư của dự án.

 Ông Toàn sau khi bị tai biến cách đây 4 năm rất khó khăn trong việc sinh hoạt. Ảnh: Tô Công.

Được sự chỉ dẫn của người dân, PV đến thăm hộ gia đình bà Vũ Thị Thông (75 tuổi) tại khu Đồng Chè, xã Điêu Lương (huyện Cẩm Khê), ngôi nhà nhỏ này là nơi sinh hoạt chung của 10 người trong gia đình gồm có ông Lê Kim Toàn (76 tuổi) - chồng bà Thông, 3 người con trai, 1 người con dâu và 4 cháu nội.

Nhà đã quá chật trội, gia đình không có điều kiện để mua đất, xây nhà vì quá nghèo, bà Thông đành dựng một ngôi nhà nhỏ bằng lán tôn phía sau chuồng gà để anh Lê Kim Ngọc - con trai cả và cháu Lê Hoàng Anh - cháu nội của mình ở tạm. 

 Không thể xây nhà trên khu tái định cư của dự án đê trăm tỉ, bà Thông đành dựng chiếc lán tôn tạm bợ cho con trai cả và cháu nội ở tạm. Ảnh: Tô Công.

Anh Ngọc trước kia đi làm thuê ở TP.HCM, năm 2016 không may bị tai biến, nay chân tay bị ảnh hưởng, gần như mất khả năng lao động, người vợ cũng vì thế bỏ anh Ngọc mà đi. Còn cháu Hoàng Anh bị hội chứng Down từ nhỏ, hoàn cảnh vô cùng cơ cực.

Chiếc lán tôn nhỏ, nơi sinh sống của 2 con người được dựng tạm bợ trên đê, mặt hướng ra đồng ruộng mênh mông ngày đêm hứng chịu những cơn gió rét qua khe cửa, những trận mưa dột ướt chăn chiếu.

 Giấy chứng nhận hộ nghèo và Giấy xác nhận khuyết tật của 2 cha con anh Ngọc và cháu Hoàng Anh. Ảnh: Tô Công.

"Gia đình tôi nghèo quá, tiền không có đất cũng không, từ khi họ làm dự án đê đã thu hồi đất và nhà của tôi, sổ đỏ cũ chính quyền thu từ năm 2016. Còn khu tái định cư, nói "cho sang" chứ thực ra sổ đỏ không có, mặt bằng, điện, nước cũng không có, làm sao mà xây được nhà" - bà Thông nghẹn ngào nói.

Theo bà Bùi Thị Dung - người dân cùng trong diện giải phóng mặt bằng (bị mất nhà và đất ở) phục vụ dự án, không chỉ có trường hợp của gia đình bà Thông là khó khăn, 7 hộ còn lại cũng lâm vào tình cảnh tương tự.

Trong chiếc lán tôn tạm bợ ngoài chiếc xe máy cũ không có vật dụng gì có giá trị. Ảnh: Tô Công.

"Dự án lấy đất thổ cư của người dân, nhưng đổi lại người dân được một ô đất trên nông nghiệp, được chính quyền giao cho người dân bằng miệng, không có quyết định hay giấy tờ gì" - bà Dung bức xúc.

Chờ chủ đầu tư lên tiếng

Trước đó, Báo Lao Động đã có loạt bài phản ánh về Dự án nâng cấp đê tả, đê hữu Ngòi Cỏ, làm đường sơ tán dân huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ.

 Khu tái định cư "ba không” của dự án: Không điện, không nước, không sổ đỏ. Ảnh: Anh Tâm.

Theo đó, dự án được khởi công từ năm 2011, thi công dang dở đến năm 2017 bỗng dừng đột ngột, đến nay đường đê xuống cấp nghiêm trọng ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xã Điêu Lương.

Cùng với đó, nơi được cho là khu tái định cư của dự án không có hệ thống đường, điện, nước sạch... Từ năm 2015 đến nay, người dân được giao đất chưa có ai được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Người dân khốn khổ vì dự án đê trăm tỉ và khu tái định cư “ba không“. Ảnh: Tô Công.

Theo ông Nguyễn Chí Lợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Khê, vì quy trình và cách thức đền bù, giao đất cho 8 hộ dân từ nhiều năm trước là không đúng, nên kéo theo nhiều vấn đề về pháp lý vướng mắc, chưa thể giải quyết ổn thỏa.

Ngày 8.11, PV Báo Lao Động đã đặt lịch làm việc kèm các nội dung phỏng vấn đến Chủ đầu tư là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ để tìm hiểu rõ hơn về dự án này. Tuy nhiên, hơn 3 tuần đã trôi qua, Sở này vẫn im lặng.

Theo tìm hiểu của PV, dự án nâng cấp đê tả, đê hữu Ngòi Cỏ kết hợp làm đường sơ tán dân, huyện Cẩm Khê có tổng dự toán duyệt là gần 105 tỉ đồng.

Sau khi dự án dừng thi công, ngày 28.4.2017, UBND tỉnh Phú Thọ có văn bản số 1698, đồng ý cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng và quyết toán phần khối lượng công việc đã hoàn thành. Cùng với đó, giao UBND huyện Cẩm Khê tiếp nhận, quản lý đối với tuyến đê này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn