MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Dự án điện mặt trời khiến Chủ tịch Trung Nam bị tạm hoãn xuất cảnh

Anh Tuấn LDO | 23/05/2024 19:36

Ông Nguyễn Tâm Thịnh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Trung Nam Group vừa bị tạm hoãn xuất cảnh do doanh nghiệp nợ thuế hơn 21 tỉ đồng.

Nợ 21 tỉ đồng tiền thuế

Cục Hải quan Khánh Hòa vừa có thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) đề nghị tạm hoãn xuất cảnh với ông Nguyễn Tâm Thịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam Group) từ ngày 6.5.

Nguyên nhân do ông Thịnh là người đại diện theo pháp luật của Trung Nam Group. Doanh nghiệp đang bị cưỡng chế thuế do nợ hơn 21 tỉ đồng.

Đại diện của Trung Nam Group cho biết, khoản nợ thuế này mới phát sinh, liên quan tới dự án điện mặt trời Thuận Nam 450 MW. Hiện tiền điện thanh toán cho dự án về chậm khiến công ty gặp nhiều khó khăn.

Đại diện của Trung Nam Group cho biết, khoản nợ thuế này mới phát sinh, liên quan tới dự án điện mặt trời Thuận Nam 450MW. Ảnh: Phong Nguyễn

Theo tìm hiểu của Lao Động, dự án này có phần công suất 172MW bị Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) dừng huy động từ tháng 9.2022, với lý do không đáp ứng quy định hưởng giá FIT (giá bán điện cố định).

Công ty Trung Nam cho biết, theo số liệu tính toán, sản lượng phát lên lưới của phần công suất 172MW từ 1.10.2020 đến ngày 31.8.2022 (khoảng 687 triệu kWh), phần sản lượng này tương đương 813,6 tỉ đồng, nhưng đến nay chưa được EVN thanh toán.

Chủ đầu tư cũng đã nhiều lần đề nghị tạm thanh toán với đơn giá chỉ bằng 40% mức giá khung đối với các nhà máy điện mặt trời chuyển tiếp để hỗ trợ giải quyết khó khăn về tài chính, tuy nhiên vẫn chưa được xem xét giải quyết.

Trung Nam thừa nhận vướng mắc là dự án được xây dựng trên ba xã Phước Minh, Nhị Hà và Phước Ninh, huyện Thuận Nam nhưng giấy phép hoạt động điện lực chỉ thể hiện ở xã Phước Minh.

Do vậy, từ tháng 10.2023 đến nay, EVN chỉ thanh toán một phần doanh thu phát điện tương ứng phần diện tích nhà máy thuộc xã Phước Minh. Tổng giá trị chưa thanh toán tương ứng phần diện tích còn lại khoảng 274,2 tỉ đồng.

Đặc biệt, theo chủ đầu tư, việc thiếu hụt doanh thu kéo dài khiến họ không thể đảm bảo nguồn kinh phí để vận hành, bảo trì hệ thống truyền tải 500kV Thuận Nam.

EVN nói gì?

Phản hồi lại Trung Nam, đại diện EVN cho biết, thời gian qua, tập đoàn đã huy động công suất của nhà máy điện mặt trời lên lưới và thanh toán phần sản lượng, công suất theo giấy phép của Trung Nam. Đồng thời, họ ghi nhận sản lượng của phần công suất thừa cho đến khi có quy định cụ thể.

"Đối với phần đủ quy định pháp lý, EVN đã thanh toán đầy đủ. Phần chuyển tiếp, EVN cũng đang thanh toán theo đúng khung giá tạm với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp do Bộ Công Thương phê duyệt", đại diện EVN khẳng định.

Theo đại diện này, EVN cũng đang "tích cực phối hợp với cơ quan chức năng nhằm tháo gỡ những khó khăn của Trung Nam". Do đó, theo EVN, khi dự án chưa đầy đủ về mặt pháp lý, chưa được cấp giấy phép hoạt động điện lực, họ chỉ ghi nhận sản lượng mà không thể thanh toán là đúng.

"EVN là doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo quy định pháp luật, không thể tự quyết định. Do đó, Trung Nam cần phải hoàn thiện các phần việc của mình theo đúng quy định của pháp luật", đại diện EVN phản hồi.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn