MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
"Cuộc chiến" giữa chủ đầu tư và người mua nhà ở dự án nhà ở xã hội Tân Bình vẫn chưa có hồi kết. Dự án vẫn trùm mền và chưa có ngày giao nhà. Ảnh: A. Quang

Dự án nhà ở xã hội Tân Bình: Khách mua lo lắng vì hợp đồng bị tuyên vô hiệu

Gia Miêu LDO | 01/06/2021 18:20

Khách hàng mua nhà ở xã hội thuộc dự án nhà ở xã hội Tân Bình cho biết đang lo lắng khi Hội đồng Trọng tài của Trung tâm trọng tài Quốc tế tại TPHCM vừa tuyên vô hiệu hợp đồng mua bán nhà ở xã hội của họ.

Vụ việc Công ty TNHH đầu tư bất động sản Tân Bình (Công ty Tân Bình) - chủ đầu tư dự án Tổ hợp nhà ở - nhà ở xã hội Tân Bình (Tân Bình Apartment, số 32 Hoàng Bật Đạt, P.15, Q.Tân Bình) mới đây khởi kiện khách hàng và đòi tuyên hợp đồng mua bán căn hộ vô hiệu đang gây ra nhiều tranh luận.

Cụ thể, như trường hợp anh V. T. T, ngụ ở Đồng Nai đã ký hợp đồng mua bán căn hộ với Công ty Tân Bình, chủ đầu tư dự án vào năm 2016. Anh T đã thanh toán cho công ty Tân Bình số tiền 1,5 tỉ đồng. Theo hợp đồng, khoảng vào cuối năm 2016 chủ đầu tư sẽ bàn giao nhà, tuy nhiên, đã 5 năm qua anh T. vẫn chưa nhận được nhà. Nguyên nhân là trong quá trình thực hiện dự án, chủ đầu tư đã mắc nhiều vi phạm trong xây dựng.

Tuy nhiên, trong một diễn biến mới nhất, Công ty Tân Bình lại khởi kiện lên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) – chi nhánh TPHCM và anh V. T. T. là bị đơn. Theo đơn khởi kiện, Công ty Tân Bình cho rằng, tại thời điểm ký hợp đồng mua bán, Công ty Tân Bình chưa hoàn thành các thủ tục tại Sở Xây dựng TPHCM, mặt khác do Công ty Tân Bình phải thi hành quyết định xử phạt 2753/QĐ-XPHC ngày 3/7/2018 của UBND TP buộc hoàn trả lại số tiền đã nhận của anh T. Cho đến nay, anh T. vẫn chưa đến công ty để nhận lại toàn bộ khoản tiền đã chuyển. Từ đó, Công ty Tân Bình cho rằng Hợp đồng mua bán giữa Công ty Tân Bình và anh T., không có giá trị pháp lý, vô hiệu.

Và theo phán quyết của Hội đồng Trọng tài của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) – chi nhánh TPHCM mới công bố, tại thời điểm ký hợp đồng mua bán, Công ty Tân Bình chưa thực hiện thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở cấp tỉnh về việc nhà ở đủ điều kiện được bán và cũng không được Sở Xây dựng xác nhận đủ điều kiện mua bán nhà ở hình thành trong tương lai là trái quy định. Từ những lý lẽ trên, xét thấy hợp đồng mua bán vi phạm điều cấm tại quy định khoản 2 điều 55 và khoản 1 điều 8 Luật Kinh doanh bất động sản, nên bị tuyên vô hiệu là có căn cứ.

Điều này đang khiến cho anh T. bức xúc. Bởi vì, theo anh T, hợp đồng ký kết ngày 16.9.2016 mà sao đến nay Công ty Tân Bình mới yêu cầu tuyên hợp đồng mua bán căn hộ vô hiệu? Anh T cho rằng, lúc ban đầu cần vốn nên công ty muốn huy động vốn, giờ thấy giá căn hộ tăng nên “lật kèo”? Nếu tuyên hợp đồng mua bán căn hộ vô hiệu thì giải quyết hậu quả pháp lý như thế nào để đảm bảo quyền lợi chính đáng của khách hàng. Đặc biệt, là với việc tiền của khách hàng bị chủ đầu tư nắm giữ bao nhiêu năm nay nếu hoàn trả lại đúng số tiền ban đầu thì quá thiệt thòi cho người mua vì vi phạm là xuất phát từ chủ đầu tư, anh T. nêu quan điểm.

Chúng tôi đã liên hệ với chủ đầu tư và gửi câu hỏi để hiểu rõ hơn sự việc nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn