MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Mưa lớn kéo dài khiến lòng hồ Krông Pách thượng ngập nặng, giao thông khu vực bị chia cắt khiến cuộc sống của người dân trong vùng bị đảo lộn. Ảnh Bảo Trung

Dự án thủy lợi nghìn tỉ ở Tây Nguyên: Đẩy dân vào thế đã rồi!

Thanh Hải LDO | 25/08/2020 17:05

Sau hơn 10 năm triển khai, việc đền bù, di dời dân khỏi khu vực lòng hồ dự án thủy lợi Krông Pách thượng, (do Bộ NNPTNT đầu tư ở Đắk Lắk) giẫm chân tại chỗ. Nay ngăn đập tích nước, gây ngập lụt, Ban giải tỏa đền bù của dự án khẳng định không có phương án đối phó, phải di dân khẩn cấp...

Dự án đầu tư hồ chứa nước Krông Pách thượng, do Bộ NNPTNT đầu tư ở Đắk Lắk từ 2009. Công trình có 2 hồ chứa nước Krông Pách thượng và hồ Ea Rót, nằm trên hai huyện Ea Kar và Krông Pắk, với tổng đầu tư gần 2.900 tỉ đồng. Tuy nhiên, đến 2015, đại công trình mới chính thức được khởi công. Chỉ 1 năm sau phải tạm dừng vì... hết vốn đền bù giải phóng mặt bằng. 

Tháng 12.2018, dự án này được cấp thêm vốn, nâng mức đầu tư hơn 4.400 tỉ đồng.

Đầu 2019, công trình trên được tái khởi động, nhưng đến thời điểm này, gần 700 hộ dân khu vực lòng hồ vẫn chưa được di dời, tái định cư. Trong khi đó, khu vực xây dựng đập chính vẫn triển khai, chặn dòng. Mùa mưa, nhà dân ngập trong lũ, hoa màu cũng bị hủy hoại. Dự báo sẽ gây ngập khoảng 200 -  500 nhà dân, chủ yếu là tại xã Cư San, huyện M’Đrăk.

Sau khi báo chí phản ánh sự khốn khổ của người dân ở vùng dự án, ngày 24.8, Bộ NNPTNT đã tổ chức họp khẩn với Đắk Lắk để tìm giải pháp tháo gỡ. Tuy vậy cuộc họp cũng bế tắc, không có phương án khả thi bởi chính quyền cho rằng Ban giải tỏa đền bù không đủ năng lực.

Trước tình huống ngập lụt như vậy, Ban A - Ban giải tỏa đền bù dự án của Đắk Lắk khẳng định không có phương án đối phó, mà chỉ có thể di dân khẩn cấp ra khỏi lòng hồ. Ban này cũng đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk và các bên liên quan chuẩn bị phương án phòng chống lũ, chuẩn bị nhân lực, thiết bị để sẵn sàng di chuyển dân khỏi lòng hồ khi cần thiết.

Đã hơn 10 năm, công việc đền bù, giải phóng mặt bằng cho gần 700 hộ dân khu vực lòng hồ vẫn giẫm chân tại chỗ, thì việc đưa dân đi tái định cư chỉ vài tháng trước mưa lũ đương nhiên là bất khả thi. Chưa bàn đến việc đội vốn, chậm tiến độ hay không giải ngân hết ngân sách đầu tư công... mà việc đưa hàng ngàn dân vào thế đã rồi như hiện nay không thể chỉ giải thích là do Ban A thiếu năng lực.

Không thể để tài sản, tính mạng người dân chênh vênh trong mùa lũ, nhưng việc buộc phải "cưỡng chế" đưa dân khẩn cấp tránh lũ khi chưa giải quyết thỏa đáng các việc đo đạc, thẩm định, áp giá đền bù... sẽ gây ra nhiều hệ lụy.

Nếu không sớm giải quyết thấu đáo thì quan ngại dự án nghìn tỉ này sẽ "có thêm" nhiều... vụ án về sai phạm, tiêu cực.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn