MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một góc công trình thủy lợi nghìn đồng của Bộ NNPTNT đang thi công dang dở ở Đắk Lắk. Ảnh Bảo Trung

Dự án thủy lợi nghìn tỉ ở Tây Nguyên: Sẽ thay Ban A nếu chậm giải tỏa dân

BẢO TRUNG LDO | 26/08/2020 17:13

Nếu Ban A không giải ngân vốn đầu tư công đúng theo tiến độ quy định thì rất có khả năng Bộ NNPTNT sẽ thay chủ đầu tư dự án hợp phần GPMB, đền bù và di dân tái định cư của dự án  thủy lợi hồ chứa nước  Krông Pách thượng (tổng vốn đầu tư hơn 4.400 tỉ đồng).

Năm 2018, BQL dự án Đầu tư xây dựng công trình giao thông và NNPTNT Đắk Lắk (Ban A) đã được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư dự án xử lý hợp phần giải phóng mặt bằng (GPMB), đền bù và di dân tái định cư (vốn trung ương) ở hồ chứa nước Krông Pách thượng - đại công trình do Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn (NNPTNT) khởi xướng xây dựng ở Đắk Lắk. 

Thực tế, từ 24.6.2020 đến nay, đơn vị kể trên và các huyện Ea Kar, M'Đrắk đã giải ngân vốn đầu tư công hơn 170 tỉ đồng, đạt 27% kế hoạch năm 2020. Nếu tính cả vốn giải ngân từ năm 2019 chuyển sang thì cũng chỉ đạt 20,45% (tổng 861 tỉ đồng), thấp hơn nhiều so với kế hoạch.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, tiến độ tiến độ giải ngân vốn đầu tư dự án hợp phần GPMB, đền bù, di dân tái định cư thuộc dự án hồ chứa nước Krông Pách Thượng của Ban A chỉ đạt dưới 15%.

Bộ NNPNT đánh giá,  Ban A là chủ đầu tư yếu kém và đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk rà soát năng lực và việc thực thi nhiệm vụ của ban này; xử lý nghiêm thủ trưởng và tập thể lãnh đạo đơn vị nếu tiếp tục chậm trong triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công hợp phần dự án được giao.

Nếu đến cuối năm 2020 mặt bằng lòng hồ vẫn chưa được dọn sạch, dự án trên đứng trước nguy cơ tiếp tục đội vốn, tiến độ hoàn thiện còn kéo dài.

Hiện, đến tháng 8.2020, những đơn vị liên quan mới chỉ phê duyệt được 13 phương án đền bù, giải phóng mặt bằng với diện tích gần 100ha.

Bộ NNPTNT từng kỳ vọng đại công trình thủy lợi này khi hoàn thiện sẽ cấp nước tưới cho 14.900ha đất nông nghiệp; cấp nước sinh hoạt cho hơn 70.000 người dân; cắt giảm lũ, phòng chống ngập úng...

Ích lợi thì chưa thấy đâu, nhưng dự án ''thế kỷ'' này ở Tây Nguyên đã đội vốn cả nghìn tỉ đồng, hơn 10 năm chưa hoàn thiện xong, khiến hàng trăm hộ dân thuộc diện được nhận tiền đề bù, bố trí tái định cư mòn mỏi đợi chờ.

Ông Nguyễn Đình Thìn - Phó Giám đốc Ban A - cho rằng: một khi tiến độ giải ngân vốn đầu tư công quá thấp thì tất nhiên lãnh đạo đơn vị phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước UBND tỉnh, Bộ NNPTNT. Tất nhiên, những gì thuộc về trách nhiệm thì ban vẫn phải làm.

Đơn vị đang vừa xử lý các trích lục bản đồ, vừa hoàn chỉnh, phê duyệt phương án GPMB, bồi thường các huyện trình lên nhằm cố gắng đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư đúng theo quy định, ông Thìn thông tin. 

Với kế hoạch chặn dòng hồ Krông Pách thượng trước đó của Bộ NNPTNT, dự kiến tháng 3.2021 sẽ ngăn dòng chính thức thì trách nhiệm đang đặt nặng lên vai của Ban A.

Nếu không sớm xử lý dứt điểm GPMB vùng lòng hồ thì có khả năng qua mốc thời gian 2 năm, giá đất thay đổi, chi phí GPMB tiếp tục đội thêm và rồi các đơn vị liên quan lại tiếp tục báo cáo Chính phủ, Quốc hội cấp thêm vốn, vòng luẩn quẩn lặp lại. ''Căn cứ vào tình hình thực tiễn, chúng tôi vẫn lạc quan, cố gắng không để dự án tiếp tục đội vốn'', ông Thìn nói.

Đáng chú ý, Bộ NNPTNT đã giao Cục Quản lý xây dựng công trình, Vụ Kế hoạch tổng hợp tình hình và kết quả thực hiện 9 tháng đầu năm và phân loại từng chủ đầu tư dự án, để báo cáo bộ trước 20.10.2020.

Những đơn vị không hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư trong 6 tháng, 9 tháng và cả năm 2020 sẽ được bộ xem xét không giao chủ đầu tư trong giai đoạn trung hạn 2021-2025.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn