MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự báo tình hình lao động khối công nghiệp tăng mạnh. Ảnh minh hoạ: Nam Dương

Dự báo tình hình lao động khối công nghiệp tăng mạnh

Minh Hạnh LDO | 01/02/2023 06:00
Theo thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1.2023 ước giảm 8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tình hình hình sử dụng lao động trong quý I/2023 so với quý IV/2022 lại rất khả quan với 82,4%.

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), nguyên nhân chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1.2023 giảm mạnh chủ yếu đến từ việc Tết Nguyên đán Quý Mão diễn ra trong tháng 1.2023 nên số ngày làm việc ít hơn 8-10 ngày so với tháng trước và cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, còn một nguyên nhân khác cũng đã được chỉ ra, đó là số lượng đơn đặt hàng và quy mô đơn hàng giảm đã ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp tháng 1.2023.

Trên thực tế, xu hướng sụt giảm đơn hàng đã xuất hiện từ quý IV.2022, do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới, nhiều đối tác của Việt Nam lâm vào cảnh khó khăn, tiêu dùng giảm. Sản xuất công nghiệp cũng đã chậm lại từ quý IV/2022.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1.2023 so với cùng kỳ năm trước giảm ở 30 địa phương và tăng ở 33 địa phương chủ yếu do tác động tăng, giảm của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất, phân phối điện. Một số địa phương có quy mô sản xuất công nghiệp lớn như Vĩnh Long giảm 22,8%; Vĩnh Phúc giảm 28,7%; TPHCM giảm 21,4%; Đồng Nai giảm 15,7% và Hà Nội giảm 23,2%…

Nếu xét riêng về ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nhiều địa phương có mức giảm mạnh, phần lớn do doanh nghiệp chưa có đơn hàng như Quảng Nam giảm 47%; Vĩnh Phúc giảm 19,6% và TPHCM giảm 15,6%... Tuy nhiên, nhiều địa phương cũng có chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 1.2023 tăng so với cùng kỳ năm trước như Tuyên Quang tăng 34,5%; Hậu Giang tăng 10,5%; Phú Yên tăng 8,9% và Nghệ An tăng 7%...

Về tình hình lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 1.1.2023 giảm 0,9% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 0,2% so với cùng thời điểm năm trước. Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp Nhà nước không đổi và tăng 0,9%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước giảm 0,5% và tăng 0,8%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 1,1% và giảm 0,1%.

Số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp ngành khai khoáng giảm 0,8% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 0,1% so với cùng thời điểm năm trước; ngành chế biến, chế tạo giảm 0,9% và tăng 0,2%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí không đổi và tăng 0,2%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 0,4% và tăng 2,6%.

Về tình hình lao động, dự báo sử dụng lao động quý I/2023 so với quý IV/2022 khả quan hơn với 82,4% số doanh nghiệp dự kiến số lao động tăng và giữ nguyên (12,5% tăng, 69,9% giữ nguyên), 17,6% doanh nghiệp dự kiến lao động giảm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn